Mở ra hướng đi mới
Đam mê mãnh liệt dành cho ngành hàng thủ công, Chiêu Hân – CEO Andre Gift Shop bắt tay khởi nghiệp bằng việc sản xuất những phụ kiện, đồ gia dụng handmade. Với tiềm lực kinh tế hạn hẹp, ước mơ đưa sản phẩm xuất ngoại của Hân là điều không thể.
Tuy nhiên, startup trẻ này đã tìm thấy cơ hội đưa sản phẩm ra toàn thế giới thông qua sàn thương mại điện tử Amazon. Bằng việc nhanh nhạy với phương thức bán hàng mới này, chỉ sau một thời gian ngắn, Andre Gift Shop đã phát triển mạnh, mở rộng quy mô sản xuất lên 300m2 với 35 nhân viên. Hiện doanh số từ Amazon chiếm 50% trong toàn bộ doanh số bán hàng.
“Dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon đã giúp đơn giản hóa rất nhiều khâu trong việc bán hàng. Thông thường, DN phải bỏ công sức để quản lý và vận hành kho hàng tại Mỹ, đóng gói và vận chuyển các đơn hàng và tổng hợp tiền thanh toán từ khách hàng. Nhưng khi bán hàng trên Amazon sẽ hỗ trợ hết các khâu đó, DN chỉ lo chuyên tâm tập trung phát triển sản phẩm” – Chiêu Hân cho biết.Cũng tận dụng thành quả của cuộc CMCN 4.0, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Lumi Việt Nam Đỗ Đăng Dương đã khởi nghiệp với mô hình nhà thông minh. Trải qua 5 năm, hiện Lumi đã có hơn 56 đại lý trên toàn quốc và sản phẩm của Công ty cũng chính thức được ra mắt tại các thị trường như Ấn Độ, Úc… “Nhờ có CMCN 4.0, chúng tôi đã có ý tưởng kinh doanh mới, con đường chinh phục ước mơ cũng nhanh và dễ dàng hơn” – anh Dương bày tỏ.Áp lực đào thảiTận dụng những cơ hội của cuộc CMCN, những startup trẻ Việt Nam đã có được thành công nhất định, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, giành được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ ngành cũng như toàn thể cộng đồng. Xu hướng khởi nghiệp cũng là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm công nghệ sáng tạo đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội. Thời gian qua, Chính phủ và các tổ chức, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đã rất quan tâm đầu tư cho các DN khởi nghiệp 4.0.
Hiện tại, ở nước ta đã có các cộng đồng khởi nghiệp sẵn sàng hỗ trợ khởi nghiệp về mọi lĩnh vực từ mô hình kinh doanh, tư vấn pháp lý cho đến cách để kêu gọi vốn đầu tư. Chính phủ cũng có xem xét và coi hỗ trợ khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu và cam kết có phương án hỗ trợ thiết thực cho thanh niên.
Ngoài ra, không ít các cuộc thi, chương trình kêu gọi vốn đầu tư ra đời để hỗ trợ những người trẻ khởi nghiệp. Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt các DN Việt trước những nguy cơ, thách thức như việc tụt hậu về công nghệ, trình độ quản trị chưa đồng đều, nguồn nhân lực còn hạn chế…Tiến sĩ Bùi Quang Tuyến – Giám đốc Học viện Viettel cho rằng, cuộc CMCN 4.0 luôn đặt ra cho DN khởi nghiệp những thách thức mới để tồn tại, duy trì và phát triển. Trong thời đại công nghệ thay đổi không ngừng thì các DN khởi nghiệp cần phải có sự thay đổi về nhận thức và tư duy. Nếu chậm chân trong cuộc đua chuyển đổi số, họ có thể nhanh chóng bị đào thải, nhường chỗ cho những cá thể linh hoạt và nhạy bén hơn.Ở góc độ một đơn vị hỗ trợ các DN khởi nghiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc NovaEdu (đơn vị được Bộ GD&ĐT ủy quyền tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia 2020) Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, để áp dụng thành quả của công nghệ 4.0, bản thân DN phải có những thay đổi cốt lõi và bắt buộc phải có quy trình quản lý.
“Công nghệ đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi hoàn toàn cách mà chúng ta đang sống, làm việc và hưởng thụ. Những gì đúng ngày hôm nay, ngày mai sẽ không còn tồn tại nữa. Chính vì vậy startup cần coi tri thức là kim chỉ nam, đặt mọi ý tưởng khởi nghiệp vào sự chuyển động toàn cầu hóa bằng quy tắc “tự học và đổi mới không ngừng”. Để biến tri thức của nhân loại, cộng đồng DN thành của mình” – ông Hùng chia sẻ.