Cách mạng số hóa trong công tác đảm bảo an toàn giao thông

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chuyển đổi số trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT được kỳ vọng sẽ trở thành một cuộc cách mạng, mang đến những thay đổi toàn diện.

Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng chủ trì buổi hội thảo.
Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng chủ trì buổi hội thảo.

Đây là nội dung được thảo luận chính trong hội thảo “Chuyển đổi số trong công tác đảm bảo ATGT” do Uỷ ban ATGT Quốc gia tổ chức sáng 26/12. Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước.

Báo động tình trạng TNGT liên quan đến xe máy

Xe máy đang là loại phương tiện giao thông chủ yếu của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới nhất cho thấy, đây chính là loại phương tiện chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra hàng năm. Điều này thật sự là tiếng chuông báo động.

TS Nguyễn Đinh Vinh Mẫn - trường Đại học Việt Đức cho biết, người đi xe máy dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông so với các phương tiện 4 bánh lớn hơn do diện tích tiếp xúc của lốp xe với mặt đường nhỏ, lực thắng phanh chủ yếu dồn về phía trước, tỉ lệ sức mạnh/khối lượng lớn và thiếu thiết bị bảo hộ. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy rõ điều này.

Theo các nghiên cứu gần đây, trung bình hàng ngày có 25 người chết do TNGT đường bộ và chủ yếu liên quan đến người đi mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy). “TNGT do xe máy gây ra chiếm đến 70% số vụ TNGT đường bộ, trong đó, độ tuổi gây tai nạn chủ yếu từ 27 - 55 tuổi” – TS Nguyễn Đinh Vinh Mẫn dẫn giải.

Trên thực tế, trong chiến lược đảm bảo trật tự ATGT mà Chính phủ đề ra đã dành sự quan tâm lớn cho phương tiện giao thông 2 bánh. Tại Quyết định số 1586 của Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định rõ một số chính sách, giải pháp liên quan đến việc tách dòng xe 2 bánh ra khỏi dòng xe hỗn hợp.

Cụ thể, đẩy nhanh việc nâng cấp, mở rộng QL1A, lắp đặt giải phân cách tránh xung đột đối đầu và xây dựng làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy. Các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khi lập dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các tuyến đường bộ, tuyến tránh đô thị cũng đã  thiết kế phân làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những giải pháp về hạ tầng sẽ không mang đến hiệu quả ngay lập tức mà cần rất nhiều thời gian. Do đó, việc áp dụng số hóa trong công tác quản lý, giám sát và đảm bảo trật tự, ATGT, trong đó có phương tiện giao thông 2 bánh là giải pháp nhiều tiềm năng.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã “hiến kế” nhiều giải pháp chuyển đổi số để hạn chế TNGT do mô tô, xe máy gây ra. PGS.TS Vũ Anh Tuấn - trường Đại học Việt Đức đề xuất áp dụng giải pháp “Sổ tay thiết kế tuyến đường và làn đường dành riêng cho xe hai bánh” nhằm mang đến môi trường tham gia giao thông an toàn hơn cho người đi xe máy.

Chuyên gia Lê Văn Đạt - Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) đề xuất cần hoàn thiện giáo trình đào tạo, xây dựng các bài thực hành trên thiết bị mô phỏng, đồng thời, xây dựng các tình huống như điều khiển mô tô trong điều kiện ban đêm, sương mù, mưa bão, ngập lụt, với các tình huống bất ngờ xảy ra qua đường tại các khu vực đông dân cư, bán đô thị...

Nhiều chuyên gia nhận định, các giải pháp chuyển đổi số trong đảm bảo trật tự, ATGT sẽ mang đến hiệu quả đáng kỳ vọng.

Các chuyên gia hiến kế nhiều giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số trong đảm bảo ATGT.
Các chuyên gia hiến kế nhiều giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số trong đảm bảo ATGT.

Mục tiêu được chờ đợi

Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) Lê Thanh Tùng cho biết, mục tiêu chương trình chuyển đổi số ngành GTVT tầm nhìn đến năm 2023 được Bộ GTVT đưa ra là phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Để hoàn thành mục tiêu trên, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều việc liên quan đến công tác chuyển đổi số như: thực hiện  số hoá dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng quản lý điều hành giao thông đường quốc lộ và cao tốc; hình thành trung tâm điều hành giao thông cho cao tốc, quốc lộ để kết nối với giao thông đô thị...

Đặc biệt, từ năm 2023, ngành GTVT sẽ bắt đầu thực hiện cung cấp dữ liệu mở, trong đó, có dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông (kho, bãi, bến xe, tàu…) phục vụ bài toán giảm ùn tắc ATGT.

 

Bộ Y tế cần phối hợp Bộ Công an xây dựng hệ thống thống kê nguyên nhân TNGT dựa vào bệnh viện theo phân loại của WHO trong đó áp dụng hệ thống phân loại phương tiện theo Luật Giao thông đường bộ có chuyển đổi sang bảng mã chi tiết; thống kê cụ thể, nạn nhân, phương tiện của nạn nhân và phương tiện va chạm, tình trạng liên quan đến rượu bia; tiến hành nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật do TNGT - chuyên viên Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Hà Thái Sơn

Ông Trần Hữu Minh – Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện nay, trong quy chế báo cáo của Uỷ ban ATGT, yêu cầu về số liệu đảm bảo TTATGT gồm: Kết cấu hạ tầng, điểm đen; Người lái; Thống kê lỗi vi phạm TTATGT; Đăng kiểm; Quản lý kinh doanh vận tải GPS, Người thiệt mạng; Số liệu nhâp viện TNGT; Thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an) về TNGT, phương tiện, xử phạt; Số liệu bảo hiểm từ các vụ TNGT và Kiểm soát tải trọng xe.

Ông Trần Hữu Minh nhận định, có một hệ dữ liệu về ATGT cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác sẽ hỗ trợ đắc lực cho quá trình ra các quyết định quản lý về ATGT trên phạm vi toàn quốc cấp Trung ương và địa phương.

“Sau năm 2025, theo yêu cầu thực tế của công việc, các bộ ngành sẽ cập nhật thông tư bổ sung các trường dữ liệu mới phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ATGT của Chính phủ mà Ủy ban là cơ quan đầu mối, với 5 trụ cột về ATGT như: Quản lý ATGT, kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, con người, sau TNGT” – ông Trần Hữu Minh nói.

 

Tại hội thảo, đại diện Cục CSGT cho biết, chuyển đổi số là lĩnh vực mới, đến nay hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn, việc sử dụng các thông tin, dữ liệu dùng chung giữa các bộ ngành còn chưa đồng bộ... nên cần có sự phối hợp giữa những đơn vị nghiệp vụ của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ để kết nối chia sẻ dữ liệu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan lĩnh vực đăng ký xe, nộp phạt xử phạt vi phạm hành chính.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần