Cách mạng từ những ông “Vua”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày mai (11/1), V - League 2014 chính thức bắt đầu. Đang có rất nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi triệt để của bóng đá nước nhà. Và, theo những nhà quản lý bóng đá, điều đầu tiên cần phải thay đổi chính là năng lực và sự công tâm của đội ngũ trọng tài.

“Vua” cũng phải đi thi

Trước giải vài ngày, 91 trọng tài và trợ lý đã được triệu tập về Bình Dương để tham gia đợt tập huấn. Trên lý thuyết, đây là dịp để các nhà chuyên môn và giới cầm còi Việt Nam nhìn lại một năm nhiệm vụ để có cho mình những đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ. Bên cạnh đó, những kiến thức mới sẽ được cập nhật.

Thế nhưng, trên thực tế, nội dung chính của đợt tập huấn này chính là việc các nhà quản lý tập trung lên giây cót tinh thần cho các ông “Vua sân cỏ” trước khi bước vào giải đấu. Đây là nhiệm vụ tối quan trọng, bởi thời gian qua, dù đã có những đột phá về tiền công nhưng công tác trọng tài vẫn chưa chuyển biến về chất lượng. Vẫn xuất hiện thường xuyên những tai tiếng liên quan đến công tác trọng tài. Điều đó làm xấu đi hình ảnh bóng đá Việt Nam nói chung và đội ngũ trọng tài nói riêng.

 
 Cuộc sát hạch về thể lực trọng tài mùa giải 2014 diễn ra ở Bình Dương. Ảnh: Đông Nghi
Cuộc sát hạch về thể lực trọng tài mùa giải 2014 diễn ra ở Bình Dương. Ảnh: Đông Nghi
Bên cạnh đó, để đảm bảo các trọng tài đủ sức khỏe điều khiển các trận đấu, VFF đã yêu cầu kiểm tra thể lực với tiêu chuẩn khắt khe. Không có bất cứ ngoại lệ nào cho những ông “Vua sân cỏ”. Và thật bất ngờ, kết quả kiểm tra thể lực đã khiến các nhà quản lý cảm thấy sốc khi có đến 13/91 trọng tài thi rớt. Đáng nói, những người thi trượt, đồng nghĩa với việc vắng mặt trong giai đoạn 1 của mùa giải đều là những cái tên sáng giá như: Bùi Thành Thanh Nghĩa, Lê Khắc Thành, Phạm Bá Hòa, Nguyễn Phong Vũ, Nguyễn Quang Hưng… Đặc biệt, trợ lý trọng tài Nguyễn Phong Vũ từng nhiều năm có mặt trong cuộc đua đến danh hiệu Cờ vàng. Tài năng có, bản lĩnh có thừa, nhưng khi không đạt yêu cầu về thể lực, ông Vũ vẫn phải ngồi ngoài.

Coi chừng “thẻ đỏ”

VFF đã gửi những lời cảnh báo đầy sức nặng đến những ông “Vua sân cỏ” Việt Nam. Tổ chức này coi những phản ứng từ đội bóng, dư luận và giới chuyên môn là những "thẻ vàng" đối với các trọng tài. Nếu một trọng tài nhận từ 2 - 3 "thẻ vàng" sẽ bị xem xét không phân công nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, VFF cũng mở ra cơ chế "tố cáo tiêu cực" cho các trọng tài. Theo đó, các trọng tài sẽ nhận được số tiền thưởng gấp 3 lần đề nghị của cá nhân, hoặc tổ chức nào đó nếu báo cáo với Ban tổ chức giải. Nhưng, vấn đề là những ông "Vua sân cỏ" có dám bước ra ánh sáng để công khai  mặt trái của bóng đá hay không lại là một chuyên khác.

Liên quan đến cái gọi là "thẻ vàng" tiêu cực mà các trọng tài có thể bị dính - Điều mà giới chuyên môn và cả các trọng tài quan tâm chính là việc, ai sẽ là người đưa ra những "thẻ vàng". Bởi, trong quá trình điều khiển trận đấu, việc các đội bóng phản ứng với các trọng tài là điều khó tránh khỏi. Vì thế, nếu chỉ lắng nghe ý kiến từ đội bóng hoặc qua sự cảm tính của dư luận thì các ông “Vua sân cỏ” sẽ rất khó làm nhiệm vụ. Về vấn đề này, lãnh đạo VFF khẳng định, sẽ không có việc kết luận trọng tài "có vấn đề về tư tưởng" một cách vội vàng và cảm tính. Nếu là sai sót về nhận định, trọng tài có thể được châm chước, điều mà VFF muốn tuyên chiến chính là sự thiếu công tâm một cách chủ quan từ những ông "Vua sân cỏ". Hành động này sẽ bị cấm và xử lý một cách nghiêm khắc để loại bỏ tiêu cực trong đội ngũ trọng tài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần