Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ-Trung

Cách nào để vãn hồi quan hệ Mỹ-Trung?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Căng thẳng Mỹ-Trung khó có thể được giải quyết một sớm một chiều vì lợi ích chính trị đối lập giữa hai siêu cường.

Mặc dù cả người đứng đầu Mỹ và Trung Quốc đều nhiều lần bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ, nhưng mọi thứ dần rơi vào bế tắc khi hai bên liên tục rời xa tinh thần chung.

Vào ngày 18/6, chuyến công du của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Trung Quốc sau lần bị hủy vào tháng Hai, cho thấy nỗ lực vượt bậc của cả hai.

Tuy nhiên, khó có thể xác định được mối quan hệ này sẽ đi đến đâu khi hai siêu cường vẫn có nhiều mâu thuẫn khó giải quyết. Bất cứ khi nào Washington và Bắc Kinh muốn có đối thoại nhất quán, thì một động thái bất thường nào đó sẽ lập tức cản trở hai bên, khiến các phiên ngoại giao bị trì hoãn và hoạt động thương mại song phương rơi vào khó khăn.

Kỳ phùng địch thủ 

Ngày càng nhiều ý kiến cho rằng quan hệ Mỹ-Trung khó có thể hòa hoãn trong thời gian ngắn. Lưỡng đảng Mỹ luôn xem Trung Quốc là đối thủ đáng gờm trên con đường khẳng định vị thế độc tôn ở châu Á của siêu cường số một thế giới này.

Một loạt biện pháp của Quốc hội thời gian qua cho thấy Mỹ đang tăng tốc trong cuộc đua với Trung Quốc. Theo đó, thay vì ưu tiên duy trì sự cân bằng trong quan hệ đối ngoại, Washington mong muốn hướng đến một thắng lợi tuyệt đối, ngay cả khi phải sử dụng các công cụ đòn bẩy đánh trực tiếp vào chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng của quốc gia tỷ dân.

Tất nhiên, Trung Quốc đã sớm nhận ra quyền lực của mình đang bị đe dọa nên họ cũng đưa ra một loạt các chính sách kiềm chế Mỹ, khiến mối quan hệ hai bên ngày càng xấu đi.

Nỗ lực là không đủ

Vào tháng 7/2022, Tổng Thống Joe Biden đã có cuộc điện đàm với chủ tịch Tập Cận Bình về các vấn đề liên quan đến Đài Loan hay xung đột Ukraine, thể hiện quyết tâm xây dựng mối quan hệ hai bên. Tuy nhiên, chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến Đài Loan một tháng sau đó dường như phá hỏng tất cả.

Bất chấp việc người đứng đầu hai nước cố gắng thiết lập lại quan hệ trong cuộc gặp trực tiếp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia vào tháng 11/2022, một khinh khí cầu do thám Trung Quốc đã thâm nhập không phận Mỹ hai tháng sau đó. Sự việc nghiêm trọng đến mức Ngoại trưởng Blinken đã phải hủy chuyến thăm Bắc Kinh, khiến mối quan hệ một lần nữa rơi vào bế tắc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, vào tháng 11/2022. Nguồn: Asia Times
Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, vào tháng 11/2022. Nguồn: Asia Times

Vào  đầu tháng 5/2023, tưởng chừng quan hệ Mỹ-Trung ổn định trở lại khi Đại sứ Hoa Kỳ Nicholas Burns gặp tân ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương hay việc cả Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị cùng tham gia một phiên họp ở Vienna. Tuy nhiên, mọi hy vọng bị dập tắt khi Trung Quốc từ chối để Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ở Singapore.

Giới chuyên gia cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc cần tôn trọng lợi ích của nhau, tránh những động thái ảnh hưởng đến lợi ích mỗi bên.

Mặc dù cạnh tranh là điều khó tránh trong mối quan hệ Mỹ-Trung, tuy nhiên không nhất thiết phải dẫn đến xung đột, gây ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị toàn cầu.