Nhiều thách thức
Giám đốc Đối ngoại cấp cao Heineken Nguyễn Thanh Phúc đánh giá, trong bối cảnh doanh nghiệp nỗ lực trong nền kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, việc định hình chiến lược phát triển để thực hiện. Từ thực tế, Heineken Việt Nam luôn coi phát triển xanh là “kim chỉ nam” cho hoạt động, trong đó lấy phát triển bền vững là then chốt.
Heineken Việt Nam nỗ lực phấn đấu trong 10 năm qua với nhiều chương trình cụ thể, thiết thực nhằm giảm thiểu phát thải carbon, hướng tới Net Zero. Heineken Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành Net Zero, đến năm 2040 là toàn bộ chuỗi cung ứng.
"Điều này được thể hiện trong 6 nhà máy tại Việt Nam sản xuất hoàn toàn không có rác thải chôn lấp. Heineken Việt Nam nỗ lực đưa chuỗi cung ứng hoàn toàn xanh với việc sử dụng năng lượng tái tạo" - vị này nói.
Song, thách thức hiện là vấn đề tiếp cận năng lượng tái tạo thông qua cơ chế mua bán. Đây là cơ sở nền tảng để hướng tới nền kinh tế xanh hoàn toàn. Do đó, sau 4 năm, Heineken Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để tiếp cận. Đối với Heineken Việt Nam, hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn A, nhưng hiện chưa có quy định cụ thể cho việc tái sử dụng nguồn nước này như một nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Vấn đề nữa, trong quá trình tiếp cận năng lượng mặt trời áp mái hiện nay, chúng tôi đang khó khăn trông chờ vào sự hướng dẫn rõ ràng từ cơ quan quản lý nhà nước để có điều kiện triển khai kinh tế xanh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh, ông Nguyễn Thanh Phúc chỉ ra 3 vấn đề quan tâm. Thứ nhất, làm sao để cơ chế mua bán điện trực tiếp sớm trở thành hiện thực. Thứ hai, vấn đề tái sử dụng nước thải trong doanh nghiệp chúng tôi và chia sẻ với các doanh nghiệp khác. Thứ ba, tiếp cận năng lượng áp mái, năng lượng tái tạo với quy định cụ thể rõ ràng. "Các điều này sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện tham vọng phát triển xanh trong chặng đường tiếp theo" - doanh nhân này nhấn mạnh.
Giám đốc Thương hiệu và tiếp thị Asscot Việt Nam nhìn nhận, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và lưu trú ở Việt Nam đang tích cực tham gia vào phát triển kinh tế xanh và bền vững. Chuyển đổi sang một mô hình kinh doanh xanh hơn đã mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hấp dẫn cho khách hàng có ý thức về môi trường không chỉ mở ra cơ hội kinh doanh mới, mà còn giúp tiết kiệm chi phí vận hành và hoạt động.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi xanh, áp dụng chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam, Ascott cũng phải đối mặt với một số thách thức. Khả năng đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn bền vững cũng đòi hỏi sự đầu tư và đào tạo nhân viên để nắm vững và áp dụng các tiêu chuẩn này trong hoạt động vận hành. Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức về bền vững trong cộng đồng và tạo ra các giải pháp kinh doanh có trách nhiệm xã hội cũng là một thách thức với doanh nghiệp.
Cần khung để thực hiện
Đồng quan điểm, Giám đốc Quốc gia của Booking.com tại Việt Nam Varun Grover khẳng định, duy trì những thói quen trong kì nghỉ tiết kiệm điện và sử dụng điều hòa một cách thông minh, tắt đèn khi không cần thiết, sử dụng lại khăn tắm, hạn chế yêu cầu thay ga trải giường mỗi ngày... sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Cùng với đó, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần nhiều cơ sở kinh doanh đã tiến hành giảm, hoặc loại bỏ...
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu Công nghiệp Deep C Bruno Jaspaert chỉ ra, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển quan trọng. Để có được một tương lai xanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và lâu dài, sáng kiến thành lập các khu công nghiệp sinh thái là một khởi đầu rất tốt. Điều đó cho phép Việt Nam bắt đầu đánh giá các nhà đầu tư theo các tiêu chuẩn khác nhau, bởi các nhà đầu tư đến Việt Nam sẽ không chỉ mang lại lợi nhuận, hay việc làm, mà họ còn phải mang lại những giá trị cao hơn cho người dân và môi trường ở Việt Nam.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Bruno Jaspaert tin rằng Việt Nam có thể nỗ lực xây dựng khuôn khổ pháp luật. Việt Nam có thể nắm giữ vai trò chủ chốt trên con đường phát triển mới - một trung tâm phát triển bền vững để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng trở thành quốc gia đạt phát thải ròng bằng 0 trong tương lai gần.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thách thức. Việt Nam cần nỗ lực để có được khuôn khổ pháp lý phù hợp cho phát triển bền vững, nhưng luật pháp vẫn chưa sẵn sàng nên cần phải thay đổi. Deep C cũng đang nổ lực để trở thành khu công nghiệp bền vững. Nhưng không có bất kỳ hỗ trợ về tài chính, hoặc công nghệ nào để làm điều đó. Do vậy, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý mới là điều cần phải được thực hiện. Nên tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp đang nỗ lực phát triển bền vững.
Việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, nhưng quan trọng nhất là phải thực hiện hiệu quả. "Tôi cho rằng đánh giá năng lực của các tỉnh chỉ dựa vào thu hút FDI là chưa đủ, mà cần thay đổi cách xếp hạng mức độ thu hút nhà đầu tư giữa các tỉnh thành. Tỉnh nào muốn xếp hạng đầu thì phải thay đổi. Với một đất nước như Việt Nam, tôi tin rằng những sáng kiến mới được lan tỏa là rất quan trọng, đóng góp trong việc tạo ra sự khác biệt cho Chính phủ về vấn đề trung hòa carbon" - ông Bruno Jaspaert khuyến nghị.