Luật sư có thể cho biết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác với tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản như thế nào?
Trần Ngọc Anh (quận Hà Đông)
Vấn đề bạn hỏi, Bộ luật hình sự qui định ở Điều 139 "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Điều 140 "Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Dấu hiệu để phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chính là hành vi khách quan của tội phạm. Cả 2 tội trên người phạm tội đều có thủ đoạn "gian dối" và hành vi "tự nguyện giao tài sản" (dựa trên sự tín nhiệm) của nạn nhân. Tuy nhiên, thời điểm xuất hiện thủ đoạn gian dối là khác nhau.
Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139): Thủ đoạn gian dối xuất hiện ngay từ đầu, người phạm tội cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm làm cho người khác tin đó là sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản. (Xuất hiện trước hành vi chiếm đoạt). Đối với tội lạm dụng tín nhiệm (Điều 140): Việc giao và nhận hoàn toàn ngay thẳng dựa trên hợp đồng (vay, mượn, thuê..) và sự tín nhiệm (người quen biết..). Sau khi có được tài sản mới xuất hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các thủ đoạn bỏ trốn, đánh tráo, không có khả năng hoàn trả vì đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp…