Không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế

Nhật Uyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện khẩu trang đang “nóng ran” trên thị trường cũng như cộng đồng mạng. Nhiều người tìm mua bằng được khẩu trang y tế với giá “cắt cổ” để phòng bệnh cho cả gia đình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế, chỉ cần khẩu trang bằng vải, sử dụng đúng cách, hiệu quả tương tự.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp thuộc Bộ Y tế cho biết, việc sử dụng khẩu trang để ngừa dịch không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế mà người dân có thể sử dụng các loại khẩu trang bằng vải thông thường và giặt sạch mỗi ngày bằng xà phòng, phơi khô.
Ngoài ra, người dân cũng không nên đeo khẩu trang mọi nơi, mọi lúc, khẩu trang chỉ nên đeo ở nơi có tiếp xúc đông người như nơi công cộng hoặc khi đến bệnh viện.
 
Trong những ngày qua, khi số ca mắc nCoV tại Việt Nam gia tăng, nhiều người lo ngại nhiễm bệnh, đã săn lung loại khẩu trang đặc chủng N95. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Bộ Y tế khuyến cáo chỉ những người chăm sóc, điều trị bệnh nhân, đi vào ổ dịch mới cần dùng khẩu trang N95, mặc đồ bảo hộ đặc biệt. Trong trường hợp bình thường người dân có thể chỉ cần dùng khẩu trang y tế thông thường, không nhất thiết dùng mặt nạ N95 và có thể chỉ cần dùng khẩu trang vải.
Còn theo PGS.TS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn TP Hồ Chí Minh, khi nói đến phòng hộ cá nhân nhiều người chỉ tập trung vào việc lạm dụng khẩu trang mà quên đi các biện pháp phòng ngừa khác.
“Gần như mọi người bây giờ đều giữ sẵn khẩu trang trong mình nhưng lại rất ít người bỏ túi chai nước rửa tay, trong khi rửa tay là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng các bệnh đường hô hấp. Các vụ dịch cúm trước đây đã chứng minh rửa tay có hiệu quả hơn khẩu trang trong phòng ngừa cúm. Ở giai đoạn hiện tại, việc quan trọng là nhận biết sớm, cách ly sớm người về từ vùng dịch, người có yếu tố dịch tễ. Tăng cường không khí môi trường xung quanh. Mở toàn bộ cửa sổ ra khi có thể, ngay cả trong bệnh viện, trong phòng hồi sức mà chưa có hệ thống khí chủ động.
“Hơn bao giờ hết, chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn về tình hình nhiễm nCoV, về đường lây truyền và cách phòng ngừa, áp dụng các biện pháp phòng ngừa đúng đắn hơn để ứng phó tốt hơn với dịch nCoV” - PGS.TS Lê Thị Anh Thư nói.
Về việc thị trường khan hiếm khẩu trang khan hiếm mấy ngày qua, ông Nguyễn Đình Hiếu - Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết, Việt Nam có hơn 30 đơn vị sản xuất khẩu trang. Thông tin các đơn vị sản xuất trang thiết bị y tế Việt Nam đang cung cấp thiết bị cho Trung Quốc là không chính xác.
Ông Nguyễn Đình Hiếu khẳng định năng lực sản xuất của các đơn vị đủ để đáp ứng cho người dân. "Hiện chúng tôi đang yêu cầu các đơn vị sản xuất báo cáo lại tình trạng tồn kho, khả năng sản xuất. Nâng cao kiểm tra, giám sát, xử phạt những đơn vị nâng giá khẩu trang" - ông Hiếu thông tin.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần