Cách phòng tránh bệnh xương khớp

Bác sĩ Trần Quốc Khánh - Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh xương khớp là loại bệnh lý có thể xuất hiện với bất cứ ai, với mọi nhóm lứa tuổi, đặc biệt là đối với tuổi trung niên trở lên.

Nếu như trước đây các bệnh về xương khớp thường xảy ra ở người lớn tuổi thì hiện nay tỉ lệ đang gia tăng ở người trẻ tuổi và điều này cực kỳ nguy hiểm. Sau đây là cách phòng tránh các bệnh về xương khớp.
Giảm cân nặng: Tăng cân, béo phì là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây thoái hóa - tổn thương xương khớp, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Chính trọng lượng quá lớn của con trẻ đã dồn ép lên bề mặt các khớp, đặc biệt các khớp vùng thấp như cột sống lưng, khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân. Trong khi hệ thống xương, khớp chưa kịp hoàn thiện đã vô tình làm trẻ bị tổn thương xương khớp từ rất sớm, dù có thể lúc đó trẻ có rất ít hoặc chưa có triệu chứng.
Để hạn chế béo phì, nên giúp trẻ giảm ăn uống và tăng cường đi bơi, đạp xe, làm việc nhà. Ở người lớn, cũng nên ăn uống khoa học, hợp lý; nên tăng cường đạp xe đạp, đi bơi, tập Yoga, suối nguồn tươi trẻ, Gym…
 Ảnh minh họa.
Tránh bất động quá lâu một tư thế: Làm việc một tư thế - vị trí quá lâu như lái taxi, ngồi máy tính… dẫn tới việc tăng áp lực lên bề mặt một số khớp nhất định đồng thời giảm lưu thông khí huyết, tăng nguy cơ huyết khối, tắc mạch và suy giãn tĩnh mạch, teo cơ, tăng nguy cơ loãng xương. Vậy nên, tối đa 90 phút, nên đứng dậy đi lại, vươn thở, xoay khớp cổ tay, chân, khớp gối, khớp vai và gấp ưỡn cột sống lưng, cột sống cổ tầm 5 -10 phút. Việc nằm nghỉ ngơi vì lý do sức khỏe cũng hết sức lưu ý, nếu nghỉ ngơi trên giường kéo dài có thể dẫn đến “phản tác dụng” nếu chúng ta không ý thức duy trì vận động thể dục tại chỗ.
Rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt người cao tuổi, vì nằm quá lâu không chịu vận động dẫn đến lúc ra viện bị cứng khớp, dính khớp, loãng xương, teo cơ, loét vùng tì đè. Lúc đó, việc điều trị phục hồi chức năng vô cùng khó khăn.
Làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi cũng cần đúng tư thế. Nằm ngủ gối quá cao, nằm đệm quá mềm, thói quen nằm võng, đặt máy tính quá thấp trên bàn làm việc hoặc thói quen cúi gằm mặt để dùng điện thoại…. đều là những “kẻ thù” của cột sống cổ và cột sống lưng.
Vận động thể dục mỗi ngày: Luyện tập thể dục, thể thao vừa sức sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh, khí huyết lưu thông và dự phòng loãng xương, tắc mạch. Luôn khởi động trước khi chơi thể thao và chọn môn phù hợp với tuổi tác, bệnh lý từng người!
Bỏ thuốc lá và giảm rượu: Rất nhiều người nghĩ rằng uống rượu chỉ hại gan, dạ dày hoặc hút thuốc lá chỉ ảnh hưởng đến phổi. Thực tế, rượu, thuốc lá còn âm thầm “hủy hoại” hệ thống xương khớp, tim mạch, trí não...
Cân bằng làm việc - nghỉ ngơi: Mọi người nên tự sắp xếp công việc hợp lý, hài hòa giữa nghỉ ngơi và lao động vì các cơ quan trong cơ thể đều cần nghỉ ngơi để tái tạo lại. Không nên lặp đi lặp lại một công việc hay tư thế làm việc kéo dài quá sức chịu đựng vì dù lực tác động không lớn nhưng nếu lặp đi lặp lại trong thời gian quá dài sẽ làm tổn thương khớp.
Thực phẩm hỗ trợ xương khớp: Để dự phòng loãng xương, chúng ta cần lưu ý tác động vào rất nhiều “công đoạn” để đạt được hiệu quả điều trị tối đa. Trong đó, đảm bảo lượng canxi-vitamin D đưa vào cơ thể mỗi ngày (thực phẩm giàu canxi như sữa chua, phomai, viên canxi-vitaminD..), đảm bảo đường tiêu hóa bình thường để hấp thu được khi cơ thể đưa canxi vào. Ngoài ra, quan trọng nhất là vận động thể dục mỗi ngày.
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu và tế bào gốc: Rất nhiều người quan tâm hiện nay, tuy nhiên hiệu quả chưa thực sự được kiểm định. Trước khi quyết định tiêm, mọi người nên được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa của những trung tâm y tế lớn.
Những lưu ý quan trọng khác: Có rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt trẻ em bị chấn thương vùng khớp như khớp khủy, khớp cổ chân, khớp gối… không được thăm khám và điều trị bài bản từ đầu dẫn đến hậu quả không tốt về sau như dính khớp, vẹo lệch trục chi, hạn chế biên độ khớp, đau nhức khớp mạn tính và thoái hóa khớp sớm. Vì vậy, nếu bị chấn thương vùng khớp, cần đưa bệnh nhân đến khám, điều trị tại những nơi y tế rất chuyên sâu về xương khớp để xử lý tốt ngay từ ban đầu, tránh những hậu quả xấu sau.
Mọi người không nên cố gắng làm một việc gì đó quá sức của mình. Nếu cảm thấy khó khăn, nên nhờ người khác hỗ trợ.
Lưu ý tiền sử bệnh tật của mình: Những người có nguy cơ cao bị bệnh xương khớp là những người dùng corticoid kéo dài, những người đã cắt hai buồng trứng sớm, những người có bệnh lý cần dùng liệu pháp hooc-môn sinh dục hay trường hợp bị béo phì, người lao động mang vác nặng thường xuyên. Những người này cần tạo thói quen đi khám và tư vấn bệnh lý xương khớp định kỳ hằng năm để phát hiện và xử lý sớm những tổn thương.

Trừ gãy xương hoặc thoái hóa khớp tuổi già, còn lại hầu hết chấn thương và bệnh lý xương khớp cần chụp cộng hưởng từ mới thấy rõ tổn thương. Trong quá trình điều trị bệnh, không nên “đóng khung” một người thầy thuốc duy nhất dù đó là người có uy tín nếu như chúng ta thực hiện đúng phác đồ mà bệnh không thuyên giảm.

Nên tham khảo thêm các bác sĩ khác, vì không ai có thể biết hết tất cả, có người mạnh mảng này có người giỏi mảng kia. Đặc biệt, mỗi người nên “lắng nghe” cơ thể mình, vì với tổn thương xương khớp, chính chúng ta là người cảm nhận rõ ràng nhất hiệu quả của quá trình điều trị.