Cách phòng tránh các bệnh da liễu thường gặp khi trời nồm

https://tieudung.kinhtedothi.vn/
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia y tế cho biết, thời tiết nồm ẩm thường khiến cho làn da bị ẩm, bóng nhờn, dễ gây mụn trứng cá, dị ứng, nổi mề đay, mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu, nhất là những người có cơ địa nhạy cảm.

Dưới đây là các bệnh da liễu thường gặp trong mùa nồm và cách ngăn ngừa.

Nấm da

Nấm phát triển mạnh trong môi trường ấm áp và ẩm ướt, đặc biệt trong thời tiết nồm ẩm như hiện nay. Hơn nữa, việc sử dụng quần áo, chăn gối, đệm, ga, … ẩm có thể gây ra tình trạng nấm da. Bệnh nhiễm trùng này thường xuất hiện dưới dạng phát ban có vảy hoặc da bị đổi màu và thường bị ngứa.

Mặc dù đây không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Để điều trị và làm giảm triệu chứng, các bạn có thể dùng các loại thuốc bôi ngoài da, nếu trường hợp nặng hơn có thể dùng đơn thuốc uống theo chỉ định từ bác sĩ.

Bên cạnh đó, để giúp quá trình điều trị hiệu quả, người bệnh nên:

- Vệ sinh da sạch sẽ, không dùng chung đồ với người khác

- Dùng các sản phẩm như sữa tắm, kem dưỡng dành cho da bị nấm

- Không nên gãi hoặc làm tổn thương vùng da nấm vì có thể làm lây lan mầm bệnh, nhiễm trùng da.

- Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để ngăn ngừa nấm phát triển

- Tăng cường hệ miễn dịch với chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Nổi mề đay (mày đay)

Nấm mốc, vi khuẩn, virus phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nồm ẩm. Khi các mầm bệnh này tấn công vào cơ thể, hệ miễn dịch nhận thấy đây là các tác nhân "xấu" và giải phóng ra histamines để bảo vệ cơ thể. Ở một số người, histamin có thể gây sưng, ngứa, gây ra tình trạng mề đay.

Mề đay do dị ứng từ nấm mốc, virus hoặc vi khuẩn thường phát ban dưới các vết sưng lớn, không có rỉ dịch, xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể như chân, cánh tay, mặt gây ngứa, …

Để điều trị mề đay, người bệnh có thể dùng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ, thêm đó kết hợp với một số biện pháp tại nhà như:

- Sử dụng kem dưỡng

- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái

- Không dùng xà phòng hoặc sữa tắm có tính tẩy rửa mạnh

- Không gãi hoặc cào làm tổn thương da

Mụn trứng cá

Mụn trứng cá thường bùng phát mạnh vào mùa hè nhưng thời tiết nồm ẩm cũng có thể khiến mụn mọc nhiều hơn. Đặc biệt, khi không vệ sinh chăn, ga, gối, đệm thường xuyên, mụn càng có điều kiện phát triển.

Mụn trứng cá thường không gây ngứa ngáy khó chịu nhưng ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và làm cho người bệnh cảm thấy tự ti. Nếu để mụn trứng cá lâu ngày sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị sau này.

Do đó, khi gặp tình trạng mụn trứng cá, các bạn nên đảm bảo một số biện pháp như:

- Vệ sinh da sạch sẽ

- Dùng dưỡng ẩm và đắp các loại mặt nạ phù hợp

- Uống đủ nước, bổ sung thêm các thực phẩm giàu Vitamin C, E, … 

- Không nên ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, bia rượu, …

Thủy đậu

Bệnh thủy đậu (hay trái rạ) là bệnh lây nhiễm do virut Varicella Zoster gây ra, có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn vào mùa xuân, thời tiết nồm ấm. 

Người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua đường hô hấp (nước bọt, hắt hơi, dịch tiết từ mũi của người bệnh) hoặc qua tiếp xúc với mụn nước, tiếp xúc với quần áo, vải trải giường,... dễ bị mắc bệnh.

Khoảng 90% số người chưa chủng ngừa hoặc chưa từng bị thủy đậu sẽ bị lây bệnh nếu tiếp xúc với người nhiễm bệnh, thời gian lây bệnh thường kéo dài và người bị thủy đậu có khả năng lây nhiễm cho người khác từ 1 - 2 ngày trước khi phát ban.

Người bệnh thường có các triệu chứng: đầu tiên là xuất hiện các chấm nhỏ, ngứa ở mặt, cổ rồi đến bụng, ngực, chân,... Sau đó, các chấm này hình thành nốt phồng lớn (đường kính 3 - 4mm), chảy nước và cả mủ. Các nốt này dần khô đi, trở thành vảy và khỏi sau 5 - 7 ngày.

Ghẻ lở

Đây là một bệnh da liễu do ký sinh trùng gây ra. Nguyên nhân chủ yếu là do sinh sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, thiếu nước vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt hoặc do cơ thể vệ sinh chưa được sạch nhất là ở những vùng nhạy cảm như vùng kín.

Người bị ghẻ lỡ có các triệu chứng như ngứa ran, khuynh hướng nặng hơn vào ban đêm, phát ban, ban dạng như nốt tròn đỏ bị sưng xung quanh đồng thời các nốt ghẻ thường xuất hiện ở bàn tay, kẽ ngón, nếp gấp da, khuỷu tay, đầu gối, mông eo, dương vật, da xung quanh núm vú,…

Cách phòng ngừa các bệnh về da khi thời tiết nồm ẩm

Mặc dù các bệnh về da do thời tiết nồm ẩm không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây cảm giác khó chịu. Vì vậy. mọi người nên có những biện pháp phòng ngừa các bệnh về da trong điều kiện thời tiết ẩm ướt này, cụ thể;

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm rửa và thay quần áo hàng ngày, nếu nhiệt độ thấp các bạn nên tắm với nước ấm, không nên tắm nước quá lạnh hoặc quá nóng.

- Không mặc quần áo ẩm ướt, nhất là đồ lót vì có thể vừa gây bệnh cho da lại gây viêm nhiễm vùng kín.

- Không mặc chung đồ với người khác, nhất là người bị các bệnh về da, như nấm da.

- Dọn dẹp nhà cửa và đồ dùng thường xuyên. Chẳng hạn như giữ cho chăn, ga, gối, đệm được khô ráo và sạch sẽ.

- Không nên đóng kín cửa nhà, cửa phòng vì làm cho phòng thêm bí bách, ẩm ướt, càng tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus, nấm mốc phát triển.

- Tăng cường sức đề kháng với chế độ ăn uống giàu vitamin và khoáng chất, uống nhiều nước và vận động thường xuyên.

Với điều kiện thời tiết không thuận lợi như mưa nhiều, ẩm ướt, ít gió, ... các bệnh về da thường dễ bị bùng phát. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bị nấm da, viêm da hoặc mề đay, các bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra và có hướng điều trị phù hợp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần