Cách phòng tránh co cơ mặt, giật mắt cho trẻ

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm sao để khuyến khích trẻ đọc sách, thích sách và giữ được niềm đam mê hứng thú với sách? Đó là trăn trở của rất nhiều phụ huynh hiện nay, đặc biệt khi trẻ nhỏ đang bị “bủa vây” bởi các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng…

Những khuyến cáo về tình trạng trẻ nghỉ hè bị co giật cơ mắt, hoang mang ngơ ngác, cha mẹ gọi không thưa vì mải mê xem tivi, điện thoại diễn ra ngày càng nhiều nhất là vào dịp hè.
Hình thành thói quen đọc sách một cách tự nhiên

Chúng ta không thể đưa cho trẻ 1 quyển sách và ép buộc trẻ phải đọc nó. Thay vào đó, cha mẹ cần cho trẻ tiếp cận sách từ khi còn nhỏ một cách tự nhiên, khiến sách trở nên gần gũi và thân thuộc với trẻ. Để làm được điều này, việc đầu tiên là cần thường xuyên cho trẻ đến chơi ở các nhà sách. Các bạn nhỏ có thể lúc đầu chưa thích ngay, sẽ ngó sang quầy đồ chơi, hay khu vui chơi trong nhà sách,… Nhưng điều này không ảnh hưởng gì cả, chỉ cần xung quanh trẻ có sách. Những cuốn sách với hình ảnh bắt mắt, đầy màu sắc sẽ được trẻ dần dần ghi nhớ một cách tự nhiên như thế.
 
Chị Nguyễn Minh Trang (Hà Nội) – một người mẹ khá nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook cũng chia sẻ: “Mình thường xuyên ưu tiên việc đưa con đi hiệu sách vào cuối tuần. Đôi khi bé nhà mình chỉ thích chơi ở khu vui chơi, hoặc mê mẩn ở quầy đồ chơi trong hiệu sách,… nhưng chẳng sao cả. Xem chán chơi chán ở chỗ khác sẽ lại tha thẩn ngó nghiêng sang khu sách. Tối kỵ với những bạn nhỏ vốn đã chưa yêu thích sách mà bố mẹ lại cứ khăng khăng ép đọc những cuốn do bố mẹ chọn”.

Bên cạnh đó, chị Trang cũng cho biết thêm: cô con gái lớn 5 tuổi của mình chưa từng được tiếp xúc với điên thoại, máy tính bảng hay thậm chí là nhà chị còn không đăng ký dịch vụ truyền hình cáp. Để giữ được khoảng cách cho con và thiết bị công nghệ, vốn luôn được các chuyên gia cảnh báo gây nhiều tác hại đối với trẻ nhỏ, chị Trang luôn nỗ lực cho con tiếp cận với sách ngay từ khi còn rất nhỏ. Trong đó, đến nhà sách một cách thường xuyên là biện pháp hiệu quả nhất.
Xu hướng đi chơi…ở nhà sách

Khi nói đến việc cho trẻ đi chơi cuối tuần, đa phần các phụ huynh cho rằng đó sẽ là công viên, là khu vui chơi vận động, rạp chiếu phim,… Đến nhà sách chỉ khi nào cần mua sách mà thôi. Trên thực tế, nhà sách chính là một điểm vui chơi bổ ích, giúp trẻ yêu sách và hình thành thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ.

Hiện nay, mô hình nhà sách kết hợp khu vui chơi cho trẻ đang khá phổ biến tại các thành phố lớn. Mô hình này ra đời cũng xuất phát từ chính những nghiên cứu về việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ. Mô hình này cho phép trẻ được thoả sức vận động, giải phóng năng lượng và quan trọng hơn hết là xung quanh trẻ luôn có sách và sách. Trẻ sẽ dần nhận thức rằng: nhà sách là một điểm đến đầy ắp điều bất ngờ thú vị, đắm mình trong thế giới của sách, của những câu chuyện bổ ích và còn được vui chơi thỏa thích. Nhờ vậy, tình yêu với sách sẽ được bồi đắp dần qua từng tháng, từng năm.

Dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng khu vui chơi Vườn cổ tích thuộc quầy sách Tân Việt (siêu thị Big C Long Biên – Hà Nội) luôn đông kín các bạn nhỏ vui chơi mỗi dịp cuối tuần. Chị Phùng Thu Thủy (Quận Gia Lâm – Hà Nội) cho biết: Kể từ khi có mô hình vui chơi kết hợp nhà sách, con trai chị mới dành nhiều thời gian tại quầy sách trong mỗi lần đi siêu thị cùng mẹ. “Trước đây, dắt con vào quầy sách để chọn sách thì có vẻ không hào hứng lắm. Cầm lên đặt xuống vài quyển sách rồi lại đi ra chuyển sang quầy đồ chơi luôn. Bây giờ thì lần nào đi siêu thị cũng đòi mẹ cho vào khu quầy sách. Chơi mệt nên lại ôm sách ra một góc để đọc và ngồi nghỉ. Mong là con giữ được sự hứng thú với sách và quầy sách được lâu dài”.

Còn anh Dương Văn Huy (Quận Long Biên – Hà Nội) thì cho biết thêm: “Mô hình vui chơi trong không gian của sách nhằm xây dựng tình yêu với sách cho trẻ nhỏ như thế này tôi đã có dịp thấy ở nhiều nước trên thế giới. Không chỉ trong siêu thị sách, mà các thư viện công cộng họ cũng xây dựng mô hình này, vậy nên, cần nhiều mô hình này giống như nhà sách Tân Việt đang phủ sóng trên hệ thống Big C miền Bắc và miền Trung.”

Con vui chơi, hoạt động “khỏe chân, khỏe tay”, còn cha mẹ ngồi đọc sách, ấy dường như là ước mơ của kha khá nhiều người. Và đó là hướng đi đúng. Còn chần chừ gì nữa. Hãy “thiết quân luật” với tình trạng mè nheo đòi điện thoại, như người ta nói: “thế hệ cúi đầu”, hoặc tình trạng trẻ bị co giật cơ mắt, ngơ ngác với đời thường vì tiếp xúc quá nhiều thế giới ảo. Giải cứu nó bằng cách gần gụi, hướng dẫn con chơi, làm việc nhà, đọc sách, càng bảo ban con, càng tiếp xúc nhiều người thực, việc thực, càng có ích cho một đứa trẻ về sau này!