Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách tiếp cận đa chiều với bài thơ “Bắt nạt”- sách Ngữ văn 6 gây tranh cãi

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bài thơ “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh - sách Ngữ văn 6 (tập 1) - Bộ sách giáo khoa (SGK) “Kết nối tri thức với cuộc sống” đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của người đọc, giáo viên và học sinh xung quanh nội dung, nghệ thuật và cách thức thể hiện thông điệp bài thơ.

Ngữ liệu của bài thơ có đặc sắc?
Bài thơ “Bắt nạt” được trích từ tập thơ “Ra vườn nhặt nắng” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh (Nhà Xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2017, trang 24-25).
Với thể thơ đương đại 5 chữ và 8 khổ, bài thơ được chia làm 4 phần: Nêu vấn đề (khổ 1); những việc nên làm thay vì bắt nạt người khác (khổ 2,3,4); phủ định mạnh mẽ hành động bắt nạt (khổ 5,6) và lời nhắn nhủ của tác giả (khổ 7,8). Nội dung bài thơ đi thẳng vào việc lên án hành vi bắt nạt; nhận diện hành vi bắt nạt; đưa ra giải pháp để không bắt nạt người khác và cách thức giải quyết với hành vi bắt nạt của tác giả.
 Bài thơ Bắt nạt của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh trong SGK Ngữ văn 6- Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống
Sau khi đọc, có nhiều tranh luận trái chiều được đưa ra xung quanh nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Không ít giáo viên và phụ huynh nhận xét: “Bài thơ rất ít chất thơ” nên “chưa thỏa mãn với tiêu chí của một văn bản văn học”. Do đó, rất khó để giáo viên chỉ ra được “nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ” để “giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ, văn học”. Nhiều ý kiến khác khá gay gắt khi cho rằng: “Bài thơ đọc chơi, đọc cho vui thì được chứ đưa vào SGK thì chưa xứng tầm vì khó phân tích”; thậm chí bài thơ có phần “ngô nghê và trẻ con”.
Học sinh Phạm Ngọc Minh, lớp 6, trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cảm nhận: “Đọc bài thơ em thấy hơi ngang và trẻ con”. Nhiều cô giáo dạy cuốn sách cũng cho rằng, ngữ điệu bài thơ có phần “nhạt”, không chứa đựng biện pháp nghệ thuật tiêu biểu, ít hàm chứa vẻ đẹp ngôn từ. Và “việc biên soạn SGK thường rất kỹ, Hội đồng biên soạn là các nhà khoa học giàu kinh nghiệm trong nghiên cứu, giảng dạy Ngữ văn; trong khi có rất nhiều bài thơ về chủ đề “Tôi và các bạn” đặc sắc hơn, sao lại chọn bài “Bắt nạt”?”
Đồng thời với đó, nhóm tác giả biên soạn cuốn SGK này quan niệm: “SGK mới phải có ngữ liệu thực sự hấp dẫn đối với học sinh, có giá trị thẩm mỹ cao. Các văn bản trong SGK Ngữ văn là chất liệu quan trọng để tổ chức các hoạt động dạy học, góp phần quyết định chất lượng của một bộ SGK”.
Vì những lẽ đó, nhiều luồng dư luận cho rằng, văn bản thơ “Bắt nạt” không tạo nên sự hấp dẫn như mong đợi và kỳ vọng nhóm tác giả đưa ra.
Tập trung vào ý nghĩa giáo dục của bài thơ
Khi được hỏi về ý nghĩa của bài thơ, học sinh Phạm Ngọc Minh cho biết: “Em thấy bài thơ ngắn gọn, dễ hiểu, vấn đề đặt ra rất quen thuộc và bức xúc với học sinh; tác giả dùng từ “tớ” cũng thể hiện sự thân thiện, gần gũi”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, giáo viên dạy Ngữ văn tại một trường THCS thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội nêu cảm nhận: “Chất liệu bài thơ rất trong trẻo và ngộ nghĩnh. Quả thật, bài thơ không nhiều đặc sắc về nghệ thuật nên ở phần “sau khi đọc”, các câu hỏi đặt ra đi sâu vào ý nghĩa giáo dục của tác phẩm, đó là thái độ của tác giả về hành động bắt nạt; sự hài hước, ngộ nghĩnh của một số câu từ và đặc biệt, bài thơ đặt mỗi học sinh vào 3 tình huống: Là người bị bắt nạt; là người chứng kiến bắt nạt và là người đi bắt nạt. Câu hỏi được đặt ra rất trực diện và nhiều ý nghĩa giáo dục: “Bài thơ có thể khiến em thay đổi cách ứng xử trước chuyện bắt nạt như thế nào?”.
 Cái hay, cái đẹp của bài thơ còn phụ thuộc vào khả năng truyền đạt của giáo viên và thái độ tiếp cận của học sinh
Khi hướng dẫn học sinh học bài thơ này, các cô giáo sẽ nhấn mạnh vào thông điệp bài thơ gửi đến, đó là việc đã khẳng định “bắt nạt” là hành động xấu, phải từ bỏ, loại khỏi cuộc sống để cùng hướng tới môi trường học đường lành mạnh và cuộc sống nhân văn, giàu tình yêu thương. Hình thức nghệ thuật trong bài thơ chủ yếu khai thác ở giọng điệu trong trẻo, tươi vui và ngộ nghĩnh- cô giáo Nguyễn Thị Hoa nêu ý kiến.
Khi cùng nhau biên soạn cuốn sách, nhóm tác giả SGK Ngữ văn lớp 6- Bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” cũng thống nhất, mỗi bài học phải có “ý nghĩa giáo dục lâu dài”; và quan điểm biên soạn SGK của nhóm tác giả là “Một bộ sách thực sự mới, góp phần thay đổi việc học Ngữ văn trong nhà trường; giúp giáo viên, học sinh thích dạy và học ngữ văn, làm cho môn học trở nên hữu ích hơn... Có thể nói chương trình Ngữ văn lần này rất “mở”: “Mở” cho tác giả viết sách; “mở” với giáo viên và “mở” với học sinh”.
Như vậy, cái hay, cái đẹp, cái mới của văn bản phụ thuộc nhiều vào khả năng dẫn dắt, truyền đạt của giáo viên; thái độ tiếp cận, tinh thần cầu thị của học sinh cùng sự phối hợp tích cực giữa giáo viên và học sinh; từ đó phát triển năng lực cho người học theo đúng tinh thần của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
“Bài thơ là bức thư cố gắng giúp cả bạn bắt nạt và bị bắt nạt hiểu hơn về bắt nạt. Khi sự hiểu đó được lan truyền trong cộng đồng, nhất là trong các bạn học sinh khi cùng đọc bức thư ấy thì một áp lực văn hoá sẽ xuất hiện đối với hành vi bắt nạt. Từ áp lực văn hoá bớt hành hạ nhau đó mà xã hội văn minh hơn.
Người Việt Nam luôn ghét hành vi bắt nạt, ghét bất công rất nhưng lại không nhận thức rõ ràng bắt nạt có thể là những gì, xử lí ra sao để việc đó không tạo ra sự bắt nạt hay đám đông bắt nạt khác. Vì vậy, dù bắt nạt bị ghét nhưng chuỗi bắt nạt vẫn còn. Mình viết bài thơ với mong muốn cung cấp thêm một số kỹ năng mềm để hoá giải việc bắt nạt lẫn bị bắt nạt dưới hình thức nghị luận.
Một bài thơ không thể giải quyết mọi vấn đề của cuộc đời hay của người khác. Nếu làm tốt cũng chỉ phần nào cung cấp sự mở rộng cảm xúc, tư duy, kỹ năng và cảm hứng. Hiệu quả của bài thơ còn ở cách độc giả lan truyền và sử dụng để phát triển bản thân…” - Tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh.