Cách tính lương hưu hàng tháng khi tăng lương từ ngày 1/7/2023

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ ngày 1/7/2023, lương hưu tăng 12,5% và 20,8% đối với nhiều đối tượng. Người lao động có tỷ lệ hưởng lương hưu tùy theo số năm đóng bảo hiểm xã hội; mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ, quy định mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó:

Người lao động có tỷ lệ hưởng lương hưu cao hay thấp tùy theo số năm đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa: Internet.
Người lao động có tỷ lệ hưởng lương hưu cao hay thấp tùy theo số năm đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa: Internet.

Tỷ lệ hưởng lương hưu (từ năm 2022) như sau:

- Đối với lao động nam nghỉ hưu, cứ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội;

- Đối với lao động nữ nghỉ hưu, cứ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội;

Sau đó, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính theo quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, cụ thể:

- Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu:

+ Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

+ Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

+ Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

+ Tham gia trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

+ Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

+ Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

+ Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn thời gian.

- Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

- Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian. Trong đó, thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đã đưa ra Dự thảo Thông tư hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2023 đối với các đối tượng đã được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 7/12/2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.

Tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2023 đối với các đối tượng chưa được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 7/12/2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.