Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách chính sách tiền lương: Khẩn trương nhưng cần thận trọng

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/12, tại hội thảo “Cải cách chính sách tiền lương - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam” do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công (BCĐ T.Ư) chủ trì, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước bày tỏ sự cấp bách đẩy nhanh tiến trình cải cách tiền lương sao cho phù hợp thực tiễn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập.

Trả lương theo giờ, vị trí việc làm
Chia sẻ kinh nghiệm một số nước trên thế giới, TS. Jinho Jeong (Viện Lao động Hàn Quốc) và TS Changhee Lee (Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam) gợi ý: Việt Nam nên xếp hạng cấp bậc, vị trí, lương cho chính xác, bằng cách chuyển từ hệ thống hệ số lương sang hệ thống tiền lương cơ bản theo cấp, thể hiện bằng số tuyệt đối; mức phụ cấp cần hợp lý, không quá 50% tổng số của gói tiền lương; đảm bảo phù hợp sự thay đổi về chi phí sinh hoạt ở khu vực. Đồng thời, hệ thống lương công chức/khu vực công trên phạm vi quốc gia và chính sách cần được thành lập và quản lý bởi cơ quan T.Ư.

Người lao động làm việc tại xưởng cơ khí, Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Công Hùng

Đánh giá thực trạng lương khu vực sản xuất kinh doanh, TS Tống Thị Minh - Cục Quan hệ lao động, Bộ LĐTB&XH cho rằng, tiền lương tối thiểu vùng liên tục được điều chỉnh hàng năm từ năm 2009 đến nay, song vẫn còn nhiều tồn tại. Trong đó mới có lương theo tháng, mà chưa có lương theo giờ, theo ngày cũng mới được thực hiện thí điểm… “Tiến tới tính lương theo giờ là cần thiết bởi cần đáp ứng nhu cầu thị trường lao động ngày càng linh hoạt” - bà Minh đề xuất.

Đối với tiền lương cho viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, PGS.TS Trần Xuân Cầu - Nguyên Trưởng Khoa Kinh tế và quản lý nguồn nhân lực (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, cần xây dựng các bảng lương riêng cho viên chức khu vực này, trong đó có bảng lương riêng cho các ngành hoặc nhóm ngành (giáo dục, y tế…). Với cán bộ, công chức (CBCC) cơ quan hành chính, TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động & xã hội đề nghị, chuyển mạnh sang trả theo vị trí việc làm với tiêu chuẩn chức danh tương ứng và hiệu suất lãnh đạo, quản lý, chất lượng thực thi công vụ; hướng tới bảo đảm tiền lương là thu nhập chính (75 - 85%) và mức sống CBCC đạt trên mức trung bình của lao động xã hội. Cùng quan điểm, PGS.TS. Ngô Thành Can - Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: Chế độ này sẽ cho phép khai thác tối đa khả năng, kích thích công chức làm việc hiệu quả hơn, nên sẽ nâng cao chất lượng đầu vào và hình thành đội ngũ chuyên gia, nâng chất lượng nền công vụ, chất lượng phục vụ xã hội.

Sẽ quyết sách vào tháng 5/2018

Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: Nước ta đã mấy lần cải cách chính sách tiền lương, đã có một số điều chỉnh về tiền lương cơ sở, chính sách phụ cấp; trong nhiệm kỳ 2011 - 2015, Chính phủ đã nỗ lực nghiên cứu vấn đề này và nhiều lần trình Ban chấp hành T.Ư. Song do nhiều nguyên nhân, chất lượng Đề án cải cách tiền lương cùng những điều kiện cần và đủ chưa được đồng thuận cao, T.Ư chưa ra được quyết sách về vấn đề này. Theo Phó Thủ tướng, dự kiến vấn đề này sẽ được bàn và quyết vào Hội nghị T.Ư 7 (tháng 5/2018), trong đó sẽ trình Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với CBCC, lực lượng vũ trang và khu vực sản xuất kinh doanh”. BCĐ T.Ư về cải cách chính sách tiền lương được giao chuẩn bị Đề án, hiện dự thảo đang lấy ý kiến các thành viên BCĐ, rồi lấy ý kiến rộng rãi để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét và trình Hội nghị T.Ư.

Cải cách chính sách tiền lương ở các nước chưa bao giờ dễ dàng, là vấn đề có tác động nhiều mặt, liên quan đến cả chính sách và kỹ thuật, nên cần được tổ chức nghiên cứu một cách khoa học và thận trọng; trong đó, cần tích cực tiếp thu những kinh nghiệm tốt trên thế giới để thiết kế được hệ thống chính sách tiền lương phù hợp thực tiễn Việt Nam. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ