70 năm giải phóng Thủ đô

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh:

Cải cách hành chính để tạo chuyển biến rõ nét trong hoạt động chính quyền

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thực hiện Chương trình công tác năm 2022, sáng nay, 18/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính năm 2022 của TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 46 điểm cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội. Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Cục Trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách hành chính. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn, thành viên Tổ công tác Cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số SIPAS giai đoạn 2021-2025 của thành phố.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị.
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị.

Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm

Mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, công tác cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP đặc biệt quan tâm, coi đó là động lực then chốt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn; đặt ra yêu cầu phải thường xuyên cải tiến, đổi mới trong nền hành chính, trong các cơ quan nhà nước.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Chỉ số CCHC của Thành phố giữ ở mức trong nhóm 10 tỉnh/thành phố cao nhất cả nước, CCHC của Thành phố đã góp phần quan kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thích ứng một cách an toàn, linh hoạt; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP, công tác CCHC của TP vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC trong năm qua cần phải được nghiêm túc phân tích, đặc biệt các tồn tại hạn chế ở góc độ chủ quan; chỉ ra nguyên nhân và xác định giải pháp khắc phục trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà phát biểu tại hội nghị.
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính năm 2021, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, trong thời gian qua, mặc dù thành phố phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, công tác cải cách hành chính của thành phố cũng đã đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật.

Thành phố đã thành lập Tổ Công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước (SIPAS). Thành phố đã rà soát 550 thủ tục hành chính và thông qua phương án đơn giản hóa 177 thủ tục hành chính, phê duyệt đối với 1.754 quy trình giải quyết nội bộ thủ tục hành chính. Qua đó, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, góp phần cải thiện an sinh xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố.  

Đặc biệt, thành phố đã tổ chức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo quy định tại Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ. Bước đầu việc tổ chức thực hiện thí điểm, tổ chức bộ máy chính quyền thành phố trong khu vực các quận đã gọn, nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Đến nay thành phố đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu về tinh giản biên chế (từ 10% trở lên). Cụ thể, giảm 1.473 biên chế công chức (tương đương tỉ lệ 15,6%, bao gồm giảm 578 công chức thuộc Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương đã chuyển về Bộ Công Thương); giảm 12.890 biên chế sự nghiệp (tương đương tỉ lệ 10%) so với năm 2015.

Với kết quả đó, Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố năm 2020 có sự chuyển biến rõ rệt: Chỉ số PARINDEX nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu cả nước (xếp thứ 8/63); Chỉ số SIPAS tăng 19 bậc; chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh PAPI tăng 11 bậc.

Tuy nhiên, công tác cải cách của thành phố vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế: Hệ thống phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp của thành phố hoạt động còn chưa ổn định, không thường xuyên liên tục, ảnh hưởng tới việc xử lý số liệu của các cơ quan, đơn vị; cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các đơn vị vẫn chưa đồng đều; kết quả giải quyết một số hồ sơ thủ tục hành chính còn chưa đáp ứng yêu cầu của cá nhân, tổ chức…

Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Tại hội nghị, đại diện Công an thành phố đã báo cáo tình hình và phương hướng triển khai Kế hoạch của UBND thành phố thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đại diện Văn phòng UBND TP trình bày về việc triển khai Đề án Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 của Chính phủ. Một số sở, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thảo luận, chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình hay, cùng những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính.

Các điểm cầu tham dự hội nghị.
Các điểm cầu tham dự hội nghị.

Cục Trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan đã trao đổi về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số của thành phố Hà Nội năm 2022. Phân tích thực tế việc ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết hồ sơ hành chính, đồng chí nhấn mạnh: “Ứng dụng công nghệ là cần thiết nhưng việc nâng cao chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn là quan trọng nhất. Từ trình độ chuyên môn tốt mới xây dựng được phần mềm tốt, phù hợp với thực tiễn”.

Đánh giá cao những kết quả thành phố Hà Nội đạt được trong công tác cải cách hành chính, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khẳng định: “Nếu không có đổi mới, tư duy mới, cách làm mới thì không thể có hiệu quả trong công tác cải cách hành chính”.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ 6 nội dung của công tác cải cách hành chính, đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu… Bên cạnh đó, cần rà soát lại chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức để bảo đảm thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị.

Về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng Hà Nội có lợi thế về kinh phí và nguồn lực nên cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa. Trước mắt cần đẩy nhanh việc thực hiện chữ ký số, nghiên cứu các giải pháp cải thiện các Chỉ số PARINDEX, SIPAS…

Thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất

Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, với vị trí, vai trò là Thủ đô, TP Hà Nội có trách nhiệm đi đầu trong các địa phương triển khai tốt, hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về cải cách hành chính. Trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ linh hoạt điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức để hướng tới việc hoàn thành và về đích sớm các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2025 của thành phố.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu kết luận hội nghị.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu kết luận hội nghị.

Để triển khai hiệu quả công tác CCHC của Thành phố năm 2022, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung một số nội dung. Theo đó, ngay sau hội nghị, tất cả các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP, UBND các quân, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn căn cứ Kế hoạch cải cách hành chính 2022 của thành phố, cụ thể hóa, ban hành và triển khai ngay Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 của cơ quan, đơn vị mình, đặc biệt là các nhiệm vụ, đề án cần hoàn thành trong quý 1/2022.

Giao Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PARINDEX và SIPAS giai đoạn 2021-2025 thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ, chuyên đề theo Kế hoạch cải cách hành chính của UBND TP và Tổ Công tác. Lãnh đạo thành phố sẽ tập trung chỉ đạo, nghe một số sở, ngành báo cáo một số chuyên đề trọng tâm về cải cách hành chính.

Đối với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thành lập đoàn kiểm tra công vụ theo hình thức đột xuất, tái kiểm tra việc thực hiện kết luận được chỉ ra từ lần kiểm tra trước… Tổ chức hội nghị đối thoại với người dân, tổ chức và doanh nghiệp về các vấn đề có liên quan tới giải quyết công việc của người dân, tổ chức và doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cấp huyện và cấp xã.

Đối với UBND các xã, phường, thị trấn cần tập trung triển khai thực hiện đúng, đủ các quy định về quy chế dân chủ ở cơ sở, triển khai sáng tạo các giải pháp góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính của chính quyền.  

Trên cơ sở kiểm đếm tiến độ và chất lượng thực hiện các nhiệm vụ, đề án thành phố giao, Sở Nội vụ phối hợp Văn phòng UBND TP tổng hợp kết quả báo cáo Chủ tịch UBND TP tại các cuộc họp giao ban hàng tháng của tập thể UBND TP; đồng thời xác định rõ trách nhiệm cá nhân, báo cáo Chủ tịch UBND TP xem xét hình thức xử lý trách nhiệm gắn với việc đánh giá, xếp loại hàng tháng của thủ trưởng, giám đốc các sở, ngành.

“Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ, công tác cải cách hành chính của thành phố chắc chắn trong năm 2022 và các năm tới sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô” - Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh khẳng định.