Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách môi trường kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự thay đổi tâm thế và cả tình hình kinh doanh của DN cho thấy cải cách phải được duy trì và đẩy mạnh hơn nữa, để tạo thuận lợi cho DN thực hiện “mục tiêu kép”.

Cộng đồng DN cần được hỗ trợ để vươn lên

Trong khảo sát mới được thực hiện quý II năm nay của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), hơn 60% DN lưu trú, lữ hành quốc tế đã phải giảm thời gian làm việc, cho lao động nghỉ, 1/5 DN đã tính đến việc thay đổi lĩnh vực kinh doanh, nhiều DN nói có thể không tiếp tục làm du lịch. "Phần lớn DN tham gia khảo sát cho rằng, mọi việc có thể trở lại bình thường sớm nhất vào giữa năm 2022. Nhưng khác với lần khảo sát vào năm 2020, nhiều DN đã chủ động thay đổi kế hoạch kinh doanh. Xu hướng liên kết kinh doanh, chuyển dịch ngành nghề nổi lên" - ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Thư ký TAB, người trực tiếp làm việc với các DN tham gia khảo sát cho biết.

Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (NVV) Việt Nam Tô Hoài Nam cho biết, dịch bệnh lần thứ 4 khiến DN nhiều ngành lao đao về tài chính do không thu được tiền bán hàng, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu. Nhiều đơn hàng bị hủy, quy mô sản xuất giảm trong khi tích lũy vốn của DN Việt Nam còn hạn chế… Nhu cầu tái cơ cấu, thay đổi chiến lược kinh doanh, mô hình kinh doanh của DN do tác động của dịch bệnh đang rất lớn, cần cú huých từ môi trường kinh doanh thật sự thuận lợi, hậu thuẫn cho các ý tưởng đổi mới, sáng tạo.

Hoạt động cải cách MTKD có dấu hiệu chững lại, trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đang làm suy giảm ''sức khỏe'' của DN. Ảnh minh hoạ

Chia sẻ vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung đánh giá: Dịch Covid-19 đã làm nên nhiều thay đổi trong hành vi, nhu cầu của người tiêu dùng, kích thích sự xuất hiện của các mô hình, cách thức kinh doanh mới. “Có những ngành nguồn cầu bị đứt gãy, việc DN không thể trụ được hoặc chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác chứng tỏ họ đã thấy xu thế phải thay đổi, dù đó là cơ cấu lại hoạt động, chiến lược kinh doanh, bộ máy tổ chức. Người lao động cũng vậy, cũng không ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc như năm ngoái, vì họ đã thấy tình thế, phải tìm kiếm việc làm mới. Đây là thời cơ để thực hiện nhanh các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi cơ cấu lạc hậu, dịch chuyển sang các ngành nghề, lĩnh vực tạo nên giá trị gia tăng, dựa trên đổi mới - sáng tạo đang mở ra" - TS Nguyễn Đình Cung nói.

Thế nhưng thủ tục hành chính vẫn còn vướng. Theo Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) TS Phạm Minh Thảo, từ đầu năm 2020 đến nay, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại, trong đó nổi lên một số rào cản lớn làm hạn chế năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Điển hình là thách thức về thể chế thể hiện qua các chỉ số độc lập tư pháp, chi phí tuân thủ, giải quyết tranh chấp hợp đồng, tham nhũng, quyền tài sản còn thấp; thách thức về kỹ năng của lao động; hay thị trường hàng hóa còn những bất cập về rào cản phi thuế quan…

Thậm chí cả những lý do dịch bệnh làm trì hoãn cải thiện môi trường kinh doanh, đẻ thêm giấy phép con. Nhiều DN gặp khó khăn nhưng các vấn đề quy định cũng như chính sách chống dịch tại các tỉnh, các DN cho rằng còn nhiều bất cập khi giải quyết khó khăn. Trong đó, có thể kể đến một số quy định trong thời gian qua như: quy định về hàng hoá thiết yếu còn mơ hồ; quy định về việc có giấy xét nghiệm âm tính; quy định về ra vào tỉnh, luồng xanh...

Rõ ràng, khi cải cách không đều thì DN sẽ không cảm nhận được những thay đổi tích cực của môi trường kinh doanh. Nhưng khó khăn do Covid-19 đặt các DN vào tình thế không thể không thay đổi, không thể không tái cơ cấu. 

Cải thiện thực chất và toàn diện

Trong 8 tháng 2021 số DN rời thị trường đã vượt số thành lập mới, cả nước có 81.600 DN thành lập nhưng có tới 85.500 DN rời thị trường, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi ngày có 350 DN rời thị trường. Nhìn vào “sức khỏe” của DN hiện nay, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh, số liệu về tình hình đăng ký kinh doanh của DN Việt Nam cho thấy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh hiện nay, Chính phủ cần bổ sung thêm các giải pháp mới hỗ trợ cộng đồng DN trụ vững, vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, góp phần tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, nên hoạt động cải cách môi trường kinh doanh càng có vai trò quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu mới. Cải cách môi trường kinh doanh cần mạnh mẽ, thực chất hơn nữa nhằm thực hiện “mục tiêu kép”.

Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ DN kịp thời theo hướng làm giảm những chi phí phí vốn, vận tải, logistics, đất đai, chi phí về các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, DN còn kiến nghị tiếp tục tạo điều kiện cho các DN duy trì sản xuất để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các DN thực hiện “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt trên toàn quốc. 

Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương cho hay, giai đoạn 2021-2025, CIEM và một số chuyên gia đề xuất, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế; tiếp tục cải cách quy định về điều kiện kinh doanh cũng như hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đồng thời, loại bỏ rào cản đối với đầu tư kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý của các quy định pháp luật liên quan. Bên cạnh đó, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo với việc lấy DN làm trung tâm...

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam… cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh là quá trình liên tục. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng Chính phủ hay một địa phương mà là của tất cả các đơn vị nên đòi hỏi quá trình thực hiện phải đồng bộ, thống nhất, tránh gây khó khăn cho DN.

Cần xem lại các ngành nghề kinh doanh đang được khuyến khích đầu tư, như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới…, có vướng mắc gì trong thực thi chính sách không, có cần thêm chính sách khuyến khích gì không…, từ đó có phương án giải quyết cho DN. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế số và kích cầu nội địa. Mục tiêu là thúc đẩy tối đa các hoạt động đầu tư này để tạo năng lực mới cho nền kinh tế, tạo ra động lực chuyển đổi cơ cấu theo mục tiêu mà nền kinh tế đang cần. Các nút thắt trong thủ tục đầu tư cũng phải được tháo gỡ quyết liệt. (TS Nguyễn Đình Cung)