Đây được đánh giá là một sự lãng phí và tốn kém thời gian rất nhiều cho DN và xã hội rất cần được xem xét khi mà Chính phủ và các bộ, ngành đang triển khai mạnh các giải pháp cải cách nhằm giảm gánh nặng thủ tục, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho DN. Thực tế cho thấy, con dấu DN đã trở thành một thứ thủ tục không còn phục vụ mục đích chính ban đầu của nó đó là chứng thực văn bản. Con dấu cũng không đem lại sự đảm bảo thêm nào cho DN do nó có thể bị làm giả một cách dễ dàng. Vì thế, để có một môi trường quản lý kinh doanh tốt, cần có một quy trình thành lập đơn giản và thực tế hơn thay vì lãng phí thời gian, tiền bạc vào những thủ tục kinh doanh lỗi thời và không cần thiết như việc làm con dấu. Và, theo kết quả khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), 50% DN muốn bỏ con dấu, 31% muốn tự khắc dấu và thông báo với cơ quan chức năng, chỉ 11% vẫn muốn để cơ quan công an cấp con dấu cho DN. Tuy nhiên, trong điều kiện, thói quen DN và cơ sở hạ tầng ở Việt Nam hiện nay, việc bỏ con dấu vẫn chưa thể tiến hành ngay lập tức mà cần có lộ trình. Chính vì vậy, trong Dự thảo Luật DN sửa đổi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới chỉ nới thủ tục này bằng cách để DN tự quyết định hình thức và nội dung con dấu, sau đó đăng ký với cơ quan chức năng và không bắt buộc con dấu là giá trị pháp lý duy nhất để nhận diện DN. Song, về lâu dài, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều nền kinh tế cho phép sử dụng chữ ký điện tử hoặc chữ ký số, là hướng đi cần được nghiên cứu, áp dụng khi đủ điều kiện thích hợp nhằm hướng tới một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN. Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm để thực hiện việc bãi bỏ con dấu vốn đang dần lỗi thời nhưng đây được coi là tín hiệu đáng mừng và cho thấy, đã có sự tiến bộ về mặt tư duy cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam.