Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách thể chế, tăng cường sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/12, Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2014 đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

VDPF là  diễn đàn đối thoại chính sách cao cấp giữa chính phủ Việt Nam và các Đối tác Phát triển về những chính sách quan trọng mà các bên cùng quan tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội một cách toàn diện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa đồng chủ trì Diễn đàn. VDPF năm nay tập trung thảo luận các vấn đề về cải cách thể chế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân nhằm tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

 
Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF 2014) diễn ra tại Hà Nội.
Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF 2014) diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu rõ, đây là những vấn đề rất hệ trọng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. “Cải cách thể chế kinh tế sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế, còn phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế tự chủ”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

Sau khi được Chính phủ khởi xướng, việc cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam đã bước đầu đạt được những nền tảng quan trọng đầu tiên, mà một trong số đó là đặt nền tảng pháp lý vững chắc cho quyền tự do kinh doanh của người dân qua việc sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời, để phát huy vai trò kiến tạo, Chính phủ tích cực thay đổi về điều kiện gia nhập thị trường và cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư thông qua sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Việc giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp qua cải cách thủ tục hành chính chuyên sâu theo từng ngành và lĩnh vực cụ thể, như đất đai, thuế, hải quan… cũng đã được thực hiện. 

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã nỗ lực cải cách chính sách theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Một hoạt động quan trọng khác, đó là nâng cao chất lượng quản trị nhà nước, thiết chặt kỷ luật ngân sách và tăng trách nhiệm giải trình đối với quyết định và phân bổ vốn đầu tư. Cùng với đó, là tăng kỷ luật thị trường đối với DNNN, nâng cao năng lực quản trị và cải cách DNNN… 

Thời gian tới, đặc biệt là trong hai năm 2015 - 2016, các hoạt động cải cách thể chế sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện và sẽ trở thành nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm, đột phá của đột phá trong tái cơ cấu kinh tế. Cải cách thể chế kinh tế được coi là điều kiện tiên quyết để thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Đây cũng là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nền tảng cho khung khổ pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân.

Tại Hội nghị, các đại biểu quốc tế đánh giá cao nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, duy trì ổn định vĩ mô và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. 

Bà Victoria Kwakwa- Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam đã đạt sự ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm qua. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa vững chắc và cần phải ổn định. “Khu vực tư nhân Việt Nam thời gian qua vẫn ở quy mô nhỏ và gặp phải rất nhiều khó khăn. 

Báo cáo của WB cho thấy, khu vực tư nhân tham gia chuỗi toàn cầu còn manh mún. Không quốc gia nào có thể phát triển nếu chỉ dựa vào khu vực nước ngoài. Cải cách thể chế cần dựa vào vấn đề này”-đại diện WB nói. Trên tinh thần đó, cải cách kinh tế cần tập trung tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, từ đó mới có thể khuyến khích khu vực tư nhân phát triển.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ, năm 2014, Việt Nam phải đối mặt và vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự phức tạp của tình hình biển Đông. Điều này tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, Việt Nam đã nỗ lực và đạt được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tăng cường đối thoại, hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đã nêu những mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Việt Nam thực hiện trong năm 2015. Thứ nhất, Việt Nam sẽ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn vững chắc hơn. Tỷ giá, lãi suất sẽ được kiểm soát ổn định. Lạm phát sẽ được chủ động kiểm soát ở mức 5% để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển.

Bội chi NSNN ở  mức 5%. Giảm từ 5,3% năm 2014 xuống 5% vào năm 2015. Nợ công sẽ bảo đảm không vượt trần cho phép, xử lý hiệu quả nợ công, bảo đảm trả nợ đúng hạn đầy đủ theo kế hoạch. Nợ công Việt Nam sẽ tiếp tục an toàn. 

Tăng trưởng kinh tế, GDP năm 2014 sẽ trên 5,9% và năm 2015 sẽ tăng trưởng 6,2%- đây là những mục tiêu khả thi. Chính phủ cũng đã đưa ra kế hoạch 5 năm 2016-2020 GDP tăng trưởng 6,5%/năm. 

Thứ hai, Chính phủ sẽ tập trung sức chỉ đạo quản lý để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đây là một khâu đột phá, trong đó tập trung cải cách thể chế lậ ppháp, thủ tục hành chính, phát triển mạnh các loại thị trường như vốn, tiền tệ, lao động…. tạo mọi thuận lợi cho DN phát triển để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải cách môi trường kinh doanh gắn liền với đó là tăng cường chống hàng lậu hàng giả, trốn thuế dưới mọi hình thức, thực hiện công  khai minh bạch theo tinh thần kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.

Thứ ba, Việt Nam sẽ chủ động tích cực hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. Cụ thể ngoài thực hiện có hiệu quả, tốt các FTA sẵn có, thì VN sẽ ký kết các Hiệp định Thương mại tự do vứi EU theo thỏa thuận giữa 2 bên vào đầu năm 2015. Từ đầu năm 2015 cũng ký FTA giữa Việt Nam và liên minh thuế quan: Nga, Belarust, Kazactan; ký FTA giữa VN-HQ…. 

Việt Nam đang tích cực tham gia với 11 nước khác trong đó có Hoa kỳ, Canada với quyết tâm kết thúc trong năm 2015. 

Thứ tư, thực hiện 3  khâu đột phá, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng có kết quả cao hơn 2014, trên cơ sở đầu tư hạ tầng, huy động nguồn lực tư nhân, ngoài xã hội dưới hình thức PPP. 

Tiếp tục cải cách hệ thống tài chính ngân hàng đảm bảo ngân hàng hoạt động quản trị hiệu quả và giảm nhanh nợ xấu xuống còn 3% vào năm 2015. Thủ tướng cho rằng, điều này hoàn toàn khả thi, có khả năng đạt được mục tiêu này. Tức là hệ thống các TCTD sẽ trở lại nợ xấu ở mức bình thường trong nền kinh tế, đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải cách DNNN thực hiện cổ phần hóa DNNN đạt số lượng đề ra mà giảm mạnh tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở DN cổ phần hóa. Kế hoạch đề ra năm 2014 – 2015 cổ phần hóa 432 tập đoàn, tập đoàn tổng công ty nhà nước hoàn toàn khả thi. “Việc cổ phần hóa nhằm mục đích là nâng cao năng lực quản trị của DN, đặt DNNN trong điều kiện kinh tế thị trường, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.  Cùng cổ phần hóa DNNN, Chính phủ Việt Nam đặt trọng tâm khuyến khích phát triển mạnh DN tư nhân, vừa và nhỏ tạo thuận lợi để DN FDI hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.

Lần thứ hai được tổ chức, thay thế cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), VDPF được đánh giá là một diễn đàn đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển hiệu quả và thiết thực.