Cải cách thủ tục hành chính, lực hẫn dẫn vốn FDI về Việt Nam

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gánh nặng thanh tra, kiểm tra giảm, thủ tục hành chính được cắt, chất lượng lao động nâng cao… là những điểm cộng thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về Việt Nam.

Số vốn đầu tư tăng

Điều tra doanh nghiệp FDI năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy: Năm 2022, dù ghi nhận nhiều diễn biến phức tạp, trong đó có thể kể đến các tác động tiêu cực hậu Covid-19, tình hình quốc tế bất ổn và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài, song Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài.

Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của FDI năm 2022 giảm 11% so với năm trước, chỉ đạt 27,72 tỷ USD. Dù khá e dè với các đầu tư mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng vốn đầu tư cho những dự án đang triển khai có hiệu quả tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư FDI điều chỉnh tăng đạt 10,2 tỷ USD trong năm 2022, tăng 12,2% so với mức cùng kỳ năm trước.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH 4P, Khu Công nghiệp Bắc Ninh.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH 4P, Khu Công nghiệp Bắc Ninh.

Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào triển vọng của các dự án đầu tư tại Việt Nam. Số vốn FDI điều chỉnh tăng chủ yếu được rót cho các dự án điện tử công nghệ cao, bởi những lợi thế về hiệu quả chi phí của các dự án trong lĩnh vực này tại Việt Nam so với các địa điểm đầu tư truyền thống như Singapore và Trung Quốc.

Trong số này có thể kể đến Samsung Electro-Mechanics với 2 lần tăng vốn lần lượt là 920 và 267 triệu USD. Công ty TNHH Samsung Electronics HCMC CE cũng được rót vốn thêm 841 triệu USD. Các nhà máy chuyên sản xuất sản phẩm điện tử và thông tin/truyền thông tại Bắc Ninh, Nghệ An, Hải Phòng nhận số vốn bổ sung lần lượt là 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD.

Mặc dù có sự giảm sút của vốn FDI đăng ký mới, nhưng tín hiệu tích cực là vốn FDI giải ngân đã tăng 13,5% trong năm 2022, đạt 22,4 tỷ USD. Năm 2022, Singapore là quốc gia dẫn đầu về tổng mức đầu tư mới tại Việt Nam, tiếp đến là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Tuấn Anh đánh giá: Năm 2022, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có sự phục hồi vững chắc hơn sau đại dịch. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô lao động tăng rõ rệt, từ 50,56% trong năm 2021 lên 55,77% năm 2022. Trong khi năm 2021 chứng kiến tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi ở mức thấp kỷ lục (38,72%) thì đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng đáng kể (lên mức 42,77%). Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã điều chỉnh hoạt động để ổn định doanh thu và chi phí. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm từ mức cao kỷ lục 47,9% năm 2021 xuống còn 44,88% năm 2022.

Phần lớn doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, dù là theo tiêu chí về vốn, lao động hay doanh thu. Cụ thể, gần 83% doanh nghiệp FDI có số vốn dưới 100 tỷ đồng, một phần tư doanh nghiệp FDI sử dụng dưới 10 lao động và 57,4% có dưới 50 lao động. Về doanh thu, gần 25% số doanh nghiệp FDI có doanh thu dưới 3 tỷ đồng và 77,8% có doanh thu dưới 100 tỷ đồng trong năm 2022.

Nhiều chuyển biến về chính sách

Kết quả điều tra PCI dành cho doanh nghiệp FDI năm 2022 (PCI-FDI 2022) ghi nhận những chuyển động tích cực trong môi trường kinh doanh của Việt Nam trên nhiều khía cạnh, từ góc nhìn của khối doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp FDI đang trên đà phục hồi ổn định sau đại dịch, hoạt động kinh doanh khởi sắc.

Cải cách thủ tục hành chính là điểm cộng thu hút vốn FDI
Cải cách thủ tục hành chính là điểm cộng thu hút vốn FDI
 

Năm 2022, chỉ có 17,4% doanh nghiệp FDI phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra, giảm đáng kể so với mức 25,4% trong năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết chi phí không chính thức chỉ chiếm dưới 1% doanh thu đã tăng lên so với các năm trước.

Trong báo cáo PCI 2022, chỉ có 5,3% số doanh nghiệp FDI phản ánh đã bị thanh, kiểm tra quá mức (từ 4 cuộc trở lên). Điều này thể hiện xu hướng giảm dần số cuộc thanh, kiểm tra kể từ năm 2016 khi tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra quá mức lên đến 33,5%. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận trong dữ liệu điều tra PCI 2022 đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Cùng với đó, báo cáo cũng cho thấy tiếp tục có sự cải thiện rõ nét trong hầu hết các lĩnh vực thủ tục hành chính. Cụ thể, chỉ có 15% doanh nghiệp FDI đánh giá bảo hiểm xã hội là thủ tục phiền hà nhất, giảm từ mức 23% năm 2020. Thủ tục đăng ký đầu tư/kinh doanh và thủ tục xuất nhập khẩu cũng ghi nhận những chuyển biến ấn tượng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI vẫn gặp khó khăn đáng kể khi thực hiện thủ tục thuế (27%) và phòng cháy chữa cháy (21%).

Ngoài ra, báo cáo cũng thể hiện thấy các khoản chi phí không chính thức của doanh nghiệp giảm đáng kể. Theo đó, xu hướng giảm “tham nhũng vặt” ghi nhận được phản ánh nỗ lực của hệ thống chính trị trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành 5-10% doanh thu cho các khoản chi không chính thức đã giảm từ 5% xuống còn 3,2%. Đà giảm tương tự cũng quan sát được với nhóm các doanh nghiệp dành khoảng 1-2% và 2-5% doanh thu cho chi phí không chính thức.

Một điểm cộng của môi trường đầu tư tại Việt Nam được đánh giá cao đó là các doanh nghiệp trong nước tham gia ngày càng tích cực hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu với vai trò là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh những cải thiện tích cực, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, nỗ lực của các cấp chính quyền trong một số lĩnh vực cần tiếp tục đẩy mạnh. Chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính về xuất, nhập khẩu và đất đai còn ở mức cao. Những cải thiện về cơ sở hạ tầng có dấu hiệu chững lại trong năm 2022 và cần được quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới. Đáng chú ý là chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động.

Các doanh nghiệp FDI vẫn gặp khó khăn tuyển dụng nhân công, đặc biệt là với các vị trí đòi hỏi trình độ cao như quản lý, điều hành. Điều này chỉ ra rằng, các nhà hoạch định chính sách cần phải cải thiện điều kiện sống, các dịch vụ cơ bản và tạo cơ hội tiếp cận tốt hơn cho người lao động phổ thông để họ có thể tiếp tục là một phần quan trọng trong nguồn lực con người của các doanh nghiệp FDI trong tương lai.