Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cái giá phải trả cho việc “rút ruột” sông Hồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể nói, nạn “cát tặc” hoành hành ở các sông trên cả nước đang là vấn đề nhức nhối.

Nhắc tới vấn nạn này, nhiều người lại nhớ vụ việc nhóm “cát tặc” do Vũ Anh Toàn (tức “Toàn cụt”, SN 1973, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu bị lực lượng chức năng bắt giữ vào ngày 8/11/2014 tại xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ. Mới đây, các đối tượng trong vụ việc này được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử và phải nhận những bản án thích đáng.

Làm ăn phi pháp

Cùng bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên” với Vũ Anh Toàn còn có 4 đồng phạm khác gồm: Nguyễn Ngọc Lâm (SN 1987, HKTT tại Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), Trần Việt Anh (SN 1988, HKTT tại Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội); Đặng Văn Thành (SN 1992) và Đoàn Hồng Sơn (SN 1992) đều có HKTT tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Theo truy tố, ngày 8/11/2014, Cục Cảnh sát đường thủy (C68) - Bộ Công an phối hợp với các lực lượng chức năng khi tiến hành kiểm tra hành chính trên tuyến sông Hồng thuộc khu vực xã Vân Nam, xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ) đã phát hiện, tạm giữ đối với 17 tàu cuốc, phao cẩu đang hoạt động khai thác cát và 31 tàu chở đang chờ mua cát. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng thu giữ 2.155m3 cát trên 16 tàu chở và thu giữ nhiều sổ sách, giấy tờ ghi chép về khối lượng cũng như tiền bán cát của các tàu.
Nhóm “cát tặc” do Vũ Anh Toàn cầm đầu tại phiên tòa. 	Ảnh: Thiên Bình
Nhóm “cát tặc” do Vũ Anh Toàn cầm đầu tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình
Sau khi kiểm tra, C68 đã phối hợp với Cơ quan CSĐT - Bộ Công an (C45) và các cơ quan chức năng xác định hiện trường, tọa độ các tàu khai thác cát. Kết quả xác định, 17 tàu cuốc, phao cẩu đều do Toàn và Nguyễn Văn Hiểu lấy danh nghĩa Công ty CP Thương mại Vân Phúc (Công ty Vân Phúc) thuê khai thác cát tại 7 điểm đều nằm giữa lòng sông Hồng và thuộc địa phận hai xã Vân Nam và Vân Hà của huyện Phúc Thọ. Cơ quan có thẩm quyền xác định, các vị trí trên không được cơ quan chức năng cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và Công ty Vân Phúc cũng không có giấy phép khai thác.

Tiến hành điều tra đã xác định, năm 2009, Vũ Anh Toàn đã thành lập Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Biển Đông (Công ty Biển Đông) để hoạt động kinh doanh về lĩnh vực cứu cạn, lai dắt tàu và chở đò trên tuyến sông Hồng. Trong quá trình cứu hộ, Toàn phải thuê tàu đào cát để tạo luồng lai dắt tàu khỏi khu vực cạn. Để làm được điều này, đầu năm 2014, Toàn và Nguyễn Văn Hiểu đã thuê tàu về cuốc cát, tạo luồng lạch, đồng thời lợi dụng việc trên để khai thác cát trái phép trên sông Hồng rồi đem bán để hưởng lợi.

Đến khoảng đầu tháng 5/2014, khi Thành là nhân viên Công ty Vân Phúc nói cho Toàn biết thông tin tại khu vực giáp ranh, bên kia sông Hồng có Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA (Công ty Đông Dương) được cấp phép khai thác cát tại mỏ cát An Viên (thuộc xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Sau đó, Toàn đã điện thoại cho giám đốc Công ty Đông Dương thỏa thuận việc Công ty Vân Phúc sẽ cho công ty này thuê tàu để khai thác cát. Khi đạt được thỏa thuận, Toàn đã chỉ đạo Thành làm hợp đồng rồi cùng Hoàng Đức Thắng - Giám đốc Công ty Vân Phúc đứng ra ký kết hợp đồng cho Công ty Đông Dương thuê 4 tàu cuốc. Toàn hứa với anh Thắng sẽ trả cho Công ty Vân Phúc số tiền từ 1.000 - 2.000 đồng/m3 cát.

Tuy hợp đồng đã ký nhưng Toàn lại không thực hiện theo và Công ty Vân Phúc cũng không có tàu để giao cho Công ty Đông Dương nên Toàn chỉ đạo Hiểu thuê tàu cuốc đưa đến khu vực giữa sông Hồng thuộc hai xã Vân Nam và Vân Hà để khai thác cát trái phép. Sau đó, Hiểu trực tiếp gọi tàu và nhờ Vũ Văn Chiến (em trai Toàn) gọi hộ các tàu để Hiểu thuê. Tuy nhiên, do thời gian tháng 5 - 6/2014 mực nước sông Hồng lên cao, vì vậy việc khai thác cát ở sông Hồng gặp nhiều khó khăn và không khai thác được. Đến tháng 7/2014, khi thấy mực nước sông Hồng xuống thấp, Toàn chỉ đạo Hiểu thuê tàu đến khai thác cát và bán trực tiếp cho các tàu chở.

Để tổ chức việc bán cát, Toàn và Hiểu đã thuê Việt Anh, Thành, Lâm cùng một số đối tượng chưa rõ lý lịch trực tiếp đến các tàu mua cát tự xưng là “cán bộ tài nguyên” để đo khối lượng cát do các tàu cuốc hút lên và thu tiền bán cát. Số tiền thu được từ việc bán cát, sau khi trả công cho các chủ tàu cuốc, còn lại các đối tượng mang giao nộp cho Hiểu. Giá cát bán do Hiểu quy định và thường giao động từ 20.000 - 50.000 đồng/m3 tùy theo chất lượng cát khai thác được; còn tiền công khai thác trả cho các chủ tàu cuốc, phao cẩu từ 30 - 50%. Số tiền thu về, Hiểu và Toàn trả công cho các đối tượng trên mỗi tháng từ 4 – 6 triệu đồng/người cộng với tiền ăn là 100.000 đồng/ngày/người.

Đồng thời, để quản lý, theo dõi việc bán cát, Hiểu giao cho các đối tượng đi thu tiền bán cát quyển “phiếu giao nhận vật tư” có đóng dấu treo của Công ty Vân Phúc gồm hai liên để các đối tượng ghi khối lượng cát bán cho các tàu đến mua, số tiền bán, số tiền trả cho tàu cuốc. Mặt khác, các tàu cuốc cũng có sổ ghi chép lại khối lượng cát khai thác, số hiệu tàu mua cát và số tiền công bán cát được chia cho tàu cuốc theo ngày. Hàng ngày, các đối tượng thu tiền chuyển cho chủ tàu quốc liên 2 và tiền công khai thác cát, số tiền còn lại chuyển cho Hiểu kèm theo liên 1. Ngoài ra, để tránh bị các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện việc khai thác cát trái phép, Hiểu đã trang bị cho các đối tượng thu tiền bán cát điện thoại di động có sẵn sim để gọi và nhắn tin với Hiểu trao đổi về hoạt động bán cát. Càng tinh vi hơn khi Hiểu còn dặn các đối tượng không được dùng điện thoại này để liên lạc ra ngoài và phải xóa ngay những tin nhắn cho Hiểu về hoạt động bán cát khi đã thông tin xong.

Kết quả điều tra cũng xác định, đối với một số cá nhân, DN, các chủ tàu cuốc, phao cẩu và người mua cát liên quan trong vụ việc này qua điều tra đều không biết việc Toàn cùng đồng bọn khai thác cát trái phép, nên không có căn cứ để xử lý. Riêng bị can Hiểu sau khi phạm tội đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra với bị can này, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Trả giá cho việc làm trái phép

Tại phiên tòa, vị luật sư bào chữa cho bị cáo Toàn đã đưa ra quan điểm cho rằng, bị cáo chưa được hưởng lợi bất kỳ khoản tiền nào từ việc khai thác cát trái phép, vì vậy cáo trạng truy tố về việc thu lời bất chính là chưa thỏa đáng. Đồng thời, số tiền hơn 16 triệu đồng mà cơ quan điều tra thu giữ tại nhà của bị cáo Toàn là số tiền sinh hoạt chung nên đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) trả lại. Tuy nhiên, tại phiên tòa, tất cả các bị cáo đều đã thành khẩn nhận tội như bản cáo trạng truy tố và mong muốn HĐXX giảm nhẹ hình phạt để được sớm quay về tái hòa nhập cộng đồng.

Theo nhận định của HĐXX, mặc dù không có giấy phép của các cơ quan có thẩm quyền nhưng với mục đích thu lợi bất chính, trong thời gian từ tháng 7 - 11/2014, bị cáo Toàn đã bàn bạc với bị can Hiểu đi thuê tàu cuốc về khai thác cát trái phép trên sông Hồng (thuộc địa phận hai xã Vân Nam và Vân Hà) để bán cho các tàu chở đi qua tuyến sông này. Sau đó, Toàn và Hiểu đã phân công các đối tượng còn lại đi thu tiền bán cát. Tổng số cát bị nhóm đối tượng này khai thác khoảng 250.000m3, tương đương giá trị tài sản Nhà nước bị thiệt hại gần 5 tỷ đồng.

Việc khai thác cát của các đối tượng không những gây thất thoát lớn đối với tài nguyên của Nhà nước mà còn gây biến đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, đe dọa đến hệ thống đê điều, đồng thời gây ảnh hưởng cho công tác phòng chống bão lũ, gây ô nhiễm môi trường và gây mất trật tự trị an ở địa phương.

Trong vụ án này, Toàn được xác định là đối tượng chủ mưu, khởi xướng việc khai thác cát trái phép và phân công cho Hiểu thuê tàu, tổ chức quản lý việc khai thác trái phép. Đồng thời, bản thân bị cáo đã có 2 tiền án về tội “Cố ý gây thương tích” và hiện vẫn đang trong quá trình thụ án 18 tháng tù về tội danh này nên lần phạm tội này của Toàn là tái phạm nguy hiểm. Còn đối với các bị cáo Việt Anh, Lâm, Sơn và Thành được trả tiền công từ 4 - 6 triệu đồng/tháng để đi thu tiền nên được coi là đồng phạm giúp sức tích cực.

Từ những nhận định trên, HĐXX đã quyết định xử phạt bị cáo Toàn 20 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, cộng với bản án cũ nên bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 38 tháng tù. Còn các bị cáo Lâm, Thành, Sơn và Việt Anh bị xử phạt 16 tháng 9 ngày tù. Tuy nhiên, do các bị cáo này đã chấp hành xong thời hạn tù nên được trả tự do ngay tại tòa. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX quyết định, số tiền truy thu hơn 16 triệu đồng của Toàn do chưa bắt được đối tượng Hiểu để làm rõ nên sẽ tạm giữ để đảm bảo công tác thi hành án. Các bị cáo còn lại phải bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.