Phải có lộ trình
Trao đổi với một số giáo viên, lãnh đạo các trường THPT về 3 phương án của kỳ thi chung quốc gia, đa số đều cho rằng, cả 3 phương án vẫn còn có những bất cập. Theo ông Lê Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên), cả 3 phương án ở thời điểm hiện tại không thích hợp. "Thi theo phương án 2 và 3 chưa phù hợp, vì hiện tại, dạy và học vẫn theo lối cũ, chưa có phương án phân môn, tích hợp. Để thi theo hai phương án này phải triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, thay đổi cách dạy - học mới thực hiện được. Trong 3 phương án, phương án 1 khả thi hơn, tuy nhiên vẫn có bất cập vì phải thi tới 4 ngày. Ngoài ra, bất cập nằm ở khâu ra đề, bởi, thi tốt nghiệp đề đơn giản hơn, trong khi thi ĐH có sự phân hóa giữa học sinh (HS) giỏi, khá, trung bình... Ví dụ, có HS thi tốt nghiệp được 10 điểm môn Toán, nhưng thi ĐH chỉ được 3 - 4 điểm. Lấy điểm tốt nghiệp sẽ không đánh giá chính xác năng lực HS. Theo tôi, nếu hạn chế, tốn kém, không thi tốt nghiệp mà chỉ xét tốt nghiệp. Bộ GD&ĐT nên tổ chức thi ĐH, Bộ ra đề chung để đảm bảo chất lượng" - ông Lê Anh Dũng kiến nghị.
Đồng quan điểm về chỉ nên xét tốt nghiệp, bà Ngô Thị Kết - giáo viên dạy Văn, trường THPT Chương Mỹ (huyện Chương Mỹ) cho rằng, gộp 2 kỳ thi là chưa hợp lý. "Chọn phương án thi thì phương án 1 có lợi cho HS, tuy nhiên HS sẽ học lệch. Phương án 2, 3 lại quá dàn trải, chưa thể làm ngay được, bởi chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy vẫn theo lối cũ. Nếu Bộ lấy điểm cho 2 kỳ thi (thi tốt nghiệp, thi ĐH), thì phải thấy tính chất 2 kỳ thi hoàn toàn khác nhau. Thứ nhất, HS thi để đủ điểm tốt nghiệp. Thứ 2 là chọn những nhân tài cho đất nước. Tính chất khác nhau, hướng lựa chọn khác nhau, bất hợp lý ở khâu tuyển sinh, gộp 2 kỳ thi làm một sẽ không đồng đều, không thể quản lý được. Phương án nào cũng có những hạn chế. Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, chỉ xét tốt nghiệp. Ngoài ra, Bộ tổ chức một kỳ thi ĐH chung, mang tính nghiêm túc, lựa chọn HS giỏi, đủ năng lực" - bà Kết đề xuất. Cũng theo bà Kết, dù đổi mới theo cách nào, cũng cần theo lộ trình. Giáo dục nên ổn định, chỉ nên bổ sung thêm chứ không nên cải tổ liên tục. Cải tổ - nếu làm vội vã sẽ vất vả cho giáo viên, HS không thích ứng kịp, phải có kế hoạch cụ thể.
Đưa giáo dục công dân vào môn thi
Bên cạnh đề xuất bỏ thi tốt nghiệp, một số giáo viên nghiêng về phương án 2 và đề xuất thi thêm môn giáo dục công dân để tăng việc giáo dục nhân cách cho HS. Thầy Nguyễn Văn Nhất - giáo viên trường THPT Ứng Hòa B (huyện Ứng Hòa) cho rằng, xu hướng tích hợp các môn thi là hợp lý, để HS không bỏ kiến thức, học đều các môn. "Theo tôi, phương án 2 là hợp lý, phương án 1 chỉ thêm môn Ngoại ngữ còn lại vẫn như cũ. Thi theo phương án 2, không quan trọng thời gian công bố môn thi như trước bởi có sự tích hợp, HS phải học đều các môn. Nếu thi theo phương án 2, Bộ nên cho thi thêm môn Giáo dục công dân. Môn này lâu nay chỉ coi là môn phụ, bắt học mới học, trong khi giáo dục công dân là giáo dục hình thành nhân cách cho HS" - thầy Nhất đề nghị.
Với những lo lắng về tình trạng học lệch, học tủ, kết quả thi không phản ánh thực chất học lực của HS, nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, để đổi mới thi cử không chỉ xây dựng các phương án mà trước hết phải thay đổi tư duy của giáo viên, phương pháp dạy và học... Nếu thực hiện được như vậy, dù thi theo phương án nào cũng có thể phát huy hiệu quả.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp năm 2014 tại Hội đồng thi trường THPT Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
|