Cấp thiết phải thực hiện
Theo số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay trên địa bàn TP có 1.579 nhà CCC, trong đó 463/1.049 nhà do Công ty TNHH MTV Quản lý & phát triển nhà Hà Nội quản lý, đã tổ chức bán theo Nghị định số 61/CP. Các công trình CCC của Hà Nội được xây dựng trong thời gian dài từ 1960 - 1994, chiều cao từ 2 - 6 tầng, thi công chủ yếu bằng phương pháp thủ công, kết cấu tường gạch chịu lực, bê tông lắp ghép...
Sau thời gian dài sử dụng, các tòa CCC không chỉ xuống cấp, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân đang sinh sống mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Đáng chú ý, hầu hết những tòa CCC đều tập trung ở quận nội thành, nội đô lịch sử thuộc khu vực bị khống chế quy mô dân số, chiều cao công trình, trong đó: Ba Đình (211 nhà), Hoàn Kiếm (99 nhà), Đống Đa (415 nhà), Hai Bà Trung (244 nhà).
Ngoài ra, còn tập trung nhiều ở Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông. Trong khu CCC, xen kẽ công trình nhà ở thấp tầng (có trường hợp đã được cấp sổ đỏ), trụ sở cơ quan, văn phòng, dịch vụ thương mại, công trình hạ tầng xã hội (trường học, cơ sở y tế...).
Bên cạnh đó, diện tích căn hộ CCC phần lớn dưới 30m2, chỉ đáp ứng được nhu cầu cho gia đình 2 - 3 người, nay nhiều thế hệ cùng sinh sống dẫn đến tình trạng cơi nới tự phát, hư hại kết cấu công trình, hạ tầng kỹ thuật, hình thức kiến trúc cảnh quan bên ngoài bị phá vỡ.
“Xây dựng, cải tạo CCC là vấn đề được đặt ra đối với Hà Nội từ cách đây khoảng 30 năm, nhưng đến nay mới thực hiện được khoảng 1,2%. Vì vậy, đến lúc này cần phải xem là nhiệm vụ cấp thiết chứ không phải cần thiết” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận.
Cả bộ máy cần phải vào cuộc
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 101/2015 về cải tạo, xây dựng lại CCC. TP Hà Nội cũng hoàn thành “Đề án xây dựng, cải tạo CCC trên địa bàn TP” và tổ chức nhiều hội nghị phản biện có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng. Trên cơ sở đó, mới đây UBND TP đã ban hành Quyết định 5289/QĐ-UBND chính thức đưa đề án và triển khai thực hiện, với mục tiêu đến năm 2045 sẽ cơ bản hoàn thành công tác xây dựng, cải tạo CCC.
Căn cứ vào điều kiện thực tế, đề án xác định rõ 7 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tổng rà soát, khảo sát, kiểm định CCC; Phê duyệt quy hoạch chi tiết; Ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại CCC; Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; Thành lập hội đồng thẩm định của UBND TP hoặc phân cấp cho UBND cấp quận, huyện thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư...; Tạo lập quỹ nhà ở tạm cư; Thực hiện chính sách ưu đãi, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất...
“Tôi cho rằng, đây là giải pháp có tính “đột phá” của TP Hà Nội nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác xây dựng, cải tạo CCC. Trong đó, điểm nhấn là sử dụng nguồn ngân sách thực hiện công tác rà soát, kiểm định và cần phải sử dụng một cách hợp lý nguồn ngân sách này tránh gây thất thoát lãng phí. Theo tôi, trước hết TP cứ tập trung hoàn thành một số khu làm điểm, từ đó tổng kết rút ra bài học kinh nghiệm, sau đó tiếp tục nhân rộng” - ông Lê Văn Hoạt - Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội) cho hay.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội) Phạm Ngọc Thảo cho rằng, đề án xây dựng, cải tạo CCC của TP Hà Nội đã đáp ứng được với yêu cầu thực tế trong giai đoạn hiện nay. Nhưng Nghị định 69/2021/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quy định chung và Hà Nội nên đề xuất vận dụng cơ chế theo đặc thù riêng để người dân dễ dàng đồng thuận hơn. Ví dụ, vấn đề hệ số quy định từ 1 - 2 lần, nhưng Hà Nội có thể vận dụng cao hơn một chút...
“Nhưng để công cuộc này được thành công thì phải có “đột phá”, đặt thành trọng tâm, trách nhiệm của người đứng đầu, HĐND TP phải đặt vấn đề này thành nội dung định kỳ trong các hoạt động của HĐND và Thường trực HĐND, UBND TP có trách nhiệm thực hiện. Cả bộ máy chính quyền phải thực sự vào cuộc, không chỉ dừng lại ở việc phối hợp với Ban Chỉ đạo” - ông Phạm Ngọc Thảo phân tích.
Một trong những nội dung được người dân quan tâm nhất liên quan đến hệ số bồi thường, giải phóng mặt bằng. Xoay quanh vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng KTS Hà Nội, TS. KTS Nguyễn Văn Hải cho biết, Nghị định 69/NĐ-CP đã cơ bản giải quyết được 2 vấn đề liên quan đến bồi thường đối với phần diện tích tầng 1 được sử dụng kinh doanh, thương mại và diện tích bồi thường thực tế căn cứ theo sổ đỏ, diện tích cơi nới.
“Tuy nhiên, vấn đề hỗ trợ phần diện tích cơi nới TP Hà Nội cũng cần quan tâm, phải xây dựng cơ chế sao cho phù hợp từ đó mới nhận được sự đồng thuận từ người dân” - TS. KTS Nguyễn Văn Hải nói.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, trên địa bàn Thủ đô còn những khu chung cư được xây dựng giai đoạn 1955 - 1960 thời kỳ đất nước bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội đang gặp nhiều khó khăn, nhưng có dấu ấn riêng về kiến trúc. Vì vậy, trong quá trình cải tạo, xây dựng lại nên có sự lựa chọn nhằm bảo tồn di sản, để cho thế hệ sau cảm nhận được công lao thế hệ trước, góp phần nâng tầm giá trị bảo tồn di sản của Hà Nội.
"Quá trình xây dựng, cải tạo CCC cần phải có chính sách cho cư dân rõ ràng, hài hòa theo hướng phần dôi ra so với diện tích tái định cư Nhà nước mua lại của doanh nghiệp và bán cho dân theo giá của người thu nhập thấp, chứ không phải giá thương mại. Khi quy hoạch, thực hiện dự án cải tạo phải công khai, người dân được thăm dò và khẳng định chắc chắn họ sẽ nhận được những gì, sau khi dự án cải tạo được hoàn thành để lấy sự đồng thuận" - KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam chia sẻ. |