Cải tạo, nâng cấp hành lang đê Vân Cốc tại huyện Đan Phượng

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án cải tạo, nâng cấp đường hành lang hạ lưu đê Vân Cốc trên địa bàn huyện Đan Phượng, đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 7082/QĐ-UBND.

Theo quyết định, cải tạo, nâng cấp đường hành lang hạ lưu đê Vân Cốc từ K10+000 đến K12+970 trên địa bàn huyện Đan Phượng, dài 2,97km với giải pháp kỹ thuật chủ yếu là cứng hóa mặt đường rộng từ 4 đến 5m bằng bê tông; dọc theo tuyến đường bố trí rãnh thu gom nước mặt, chiều rộng rãnh 0,4m. Tổng mức đầu tư các hạng mục công trình này là hơn 12 tỷ đồng từ ngân sách TP. Thời gian thực hiện dự án năm 2019.
Tuyến đê Vân Cốc qua địa bàn huyện Đan Phượng dài 6,7km (từ km8+500 đến km15+200), là tuyến đê cấp I kết hợp giao thông, phục vụ công tác phòng, chống lụt bão của huyện, góp phần bảo vệ Thủ đô trong mùa mưa bão.
 Đê Vân Cốc nhiều lần được cải tạo, sửa chữa (Hình minh họa)
Từ năm 2005, tuyến đê này đã được Nhà nước đầu tư, nâng cấp bằng bê tông xi măng. Năm 2012, thông qua nguồn vốn trung ương hỗ trợ, thành phố đã thực hiện cải tạo, nâng cấp tuyến đê Vân Cốc đoạn từ km13+735 đến km15+117. Năm 2013, tuyến đê này tiếp tục được cải tạo, nâng cấp đoạn từ km11+800 đến km13+100 bằng nhựa asphalt, riêng đoạn từ km8+500 đến km10+250 là tuyến tràn kết hợp giao thông nên đã được ngành giao thông thảm nhựa asphalt.
Năm 2015, UBND TP tiếp tục phê duyệt dự án nâng cấp  tuyến đê Vân Cốc đoạn từ K2+030 đến K8+800 đê Vân Cốc, huyện Phúc Thọ và Đan Phượng bảo đảm cao trình yêu cầu chống lũ sông Hồng với tiêu chí đê cấp I, dài 6.542m. Cụ thể, đoạn từ K2+030 đến K2+417 dài 352m được gia cố mặt đê và hoàn chỉnh mặt cắt đê; đoạn từ K2+417 đến K4+347 và K6+860 đến K8+240, dài 3.191m được gia cố mặt đê và xây dựng đường hành lang thượng, hạ lưu.
Năm 2017, dự án cải tạo, nâng cấp được thiết kế 2 đoạn, Đoạn 1 từ K10+250 đến K11+800 (dài 1550m), đoạn 2 từ K13+100 đến K13+735 (dài 635m)  với chiều rộng mặt đường 6m, trong đó phần bê tông asphan thiết kế rộng 5m, chiều rộng lề đường 2x0,5m, độ dốc ngang mặt đường là 2% (dốc sang hai bên), độ dốc ngang của lề đường là 4%, lại tiếp tục được triển khai.
Tuy nhiên, do lưu lượng xe trọng tải nặng tham gia giao thông trên tuyến đê này nhiều nên nhiều địa điểm bị hư hỏng. Trước tình trạng trên, UBND TP đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư; trên cơ sở phương án thiết kế được chọn, tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt dự toán công trình đảm bảo chính xác, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, đối với công tác thi công đất phải tính toán sử dụng thi công bằng máy với mức độ cao nhất, sử dụng triệt để đất đào để đắp cho các hạng mục công trình của dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo chất lượng, kỹ thuật công trình. Đồng thời, phải liên hệ với các sở, ngành và UBND huyện Đan Phượng để được hướng dẫn và thỏa thuận chuyên ngành theo quy định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần