Tuy nhiên, với việc cải tạo, nâng cấp vườn hoa khu vực nội đô lịch sử Hà Nội nhiều chuyên gia cho rằng, TP cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đạt hiệu quả.
Gìn giữ những “mảnh vườn trong phố”
Công tác cải tạo vườn hoa, công viên là một trong những chủ trương rất đúng của TP Hà Nội, là một trong những chỉ tiêu quan trọng của Chương trình 03 của Thành ủy khóa XVII.
Đặc biệt, trong năm 2023, TP đã thực hiện cải tạo, nâng cấp rất nhiều vườn hoa trong khu vực nội đô lịch sử như: Diên Hồng, Tao Đàn, Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm); Hoàng Diệu, Lê Trực (quận Ba Đình); Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai); Ngọc Lâm (Long Biên)… tạo dư luận tốt, được người dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tại một số vườn hoa có thể do kế hoạch thực hiện chưa được kỹ càng, bài bản hoặc sự nóng vội của chính quyền cơ sở dẫn đến việc nâng cấp, cải tạo đã tạo ra những ý kiến trái chiều không tốt. Cụ thể, thời gian gần đây trường hợp cải tạo vườn hoa Hàng Đậu tại quận Ba Đình đã làm dấy lên lo ngại màu xanh của cỏ cây đang dần bị chuyển thành màu xám của gạch vữa, xi măng...
Theo Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng, các vườn hoa nằm trong khu vực nội đô lịch sử thường có diện tích không lớn nhưng đây là những lá phổi xanh cho khu vực, nơi gắn kết cộng đồng, những “mảnh vườn trong phố” vô cùng quý giá.
Vì vậy, bên cạnh việc gìn giữ không để bị lấn chiếm, nhem nhuốc thì khi thiết kế cải tạo lại, các vườn hoa phải có sự khác biệt với các công viên lớn. Tại đây không thể ôm đồm nhiều chức năng của công viên như nhiều vật thể kiến trúc, đường dạo, không gian sáng tạo…
Khi thiết kế, cải tạo các vườn hoa nhỏ cần nghiên cứu kỹ để thêm tối đa các mảng xanh, bên cạnh đó bố trí bảo đảm tính tiện nghi như nhà vệ sinh, hệ thống chiếu sáng, vòi nước công cộng… phục vụ người dân đến vui chơi, thư giãn, nghỉ ngơi.
“Đặc biệt, việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan các vườn hoa trong nội đô lịch sử phải giữ gìn bản sắc, phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan đặc thù của TP” - KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.
Còn KTS Phạm Hoàng Phương - Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, các vườn hoa ở khu vực quận nội đô đã được xây dựng từ lâu, chất lượng thẩm mỹ và tiện nghi sử dụng bị giảm sút theo thời gian nên việc cải tạo đồng bộ rất cần thiết.
Tuy nhiên, trước khi cải tạo phải nhận diện rõ hiện trạng, đặc biệt là các giá trị về văn hóa, lịch sử của từng vườn hoa gắn liền tổng thể không gian có liên quan. Trong đó có thể kể: các vườn hoa Diên Hồng, Tao Đàn, Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm) liền kề với không gian Hồ Gươm và phụ cận; các vườn hoa Trúc Bạch, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Lê Trực (quận Ba Đình) nằm trong Khu trung tâm chính trị Ba Đình, gắn liền với hệ thống các không gian chính trị, văn hóa lịch sử đặc trưng của Thủ đô.
Có như vậy việc nâng cấp, cải tạo đồng bộ các vườn hoa sẽ góp phần đổi mới toàn diện tính nhận diện, bản sắc về kiến trúc cảnh quan cho từng khu vực cũng như tổng thể chung đô thị.
Cần công khai lấy ý kiến về những dự án cải tạo
Để việc nâng cấp, cải tạo các vườn hoa Hà Nội đạt được kết quả, theo KTS Phạm Hoàng Phương, các đơn vị tư vấn thiết kế cần quan tâm đến các tiêu chí như: hài hòa với không gian tổng thể chung toàn khu vực; có bản sắc và tính nhận diện riêng để tạo dựng tính điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan; có tính thẩm mỹ và hướng đến các giá trị xanh, sinh thái; có công năng sử dụng đa dạng, tối ưu sử dụng quỹ đất nội đô; bảo đảm sự tự do tiếp cận của người dân; tính tiện nghi như bố trí đầy đủ hạ tầng thiết yếu và cuối cùng là bảo đảm an toàn cho người dân, đặc biệt với các nhóm yếu thế như người khuyết tật, người già, trẻ em.
Đối với chủ đầu tư, vị chuyên gia cũng lưu ý, việc đấu thầu, lựa chọn đơn vị thi công cần lựa chọn những đơn vị chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, bảo đảm được cả yếu tố kỹ thuật, chất lượng và tiến độ theo đúng thiết kế đề ra. Đồng thời, cần chú trọng công tác quản lý giám sát đầu tư xây dựng trên cơ sở các kế hoạch, tiến độ triển khai đồng bộ và cụ thể để hạn chế được nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục đã được chỉ ra như bị đội vốn, kém chất lượng...
Cùng nhấn mạnh khía cạnh này, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, khi phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp các vườn hoa, đơn vị chức năng cần đặc biệt lưu ý một điều là cải tạo vườn hoa không phải là “bê tông hóa”. Vì vậy, rất cần thành lập một hội đồng, trong đó gồm các chuyên gia có kinh nghiệm, đại diện chính quyền,… để xét duyệt những thiết kế cảnh quan công viên, vườn hoa của TP. Đặc biệt, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình cải tạo công viên, vườn hoa cần được xem là một quy trình bắt buộc được triển khai trước và sau giai đoạn thiết kế.
“Chúng ta đừng nghĩ thiết kế công trình vườn hoa là việc nhỏ, việc đơn giản, không quan trọng như các công trình xây dựng. Nếu việc thực hiện không được công khai, lấy ý kiến ngay từ đầu, cứ âm thầm làm đến khi thực hiện xong dư luận phản đối thì lại đập bỏ, gây ra sự lãng phí vô cùng lớn và ai chịu trách nhiệm cũng không được rõ ràng” - KTS Phạm Thanh Tùng bày tỏ.
Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và phát triển công viên, vườn hoa công cộng đô thị là phần việc quan trọng, luôn được chú trọng thực hiện.
Sau khi đồ án thiết kế đã được lập, tùy theo điều kiện cụ thể có thể tổ chức trưng bày, lấy ý kiến cộng đồng để hoàn thiện thêm tính hiệu quả của phương án thiết kế. Tuy nhiên, thực tiễn ở nước ta cho thấy, do tính phức tạp về chuyên môn sâu của các đồ án thiết kế kiến trúc, quy hoạch nói chung, bao gồm các đồ án cải tạo, xây mới công viên, vườn hoa, nên khả năng đóng góp tham gia ý kiến của cộng đồng trong giai đoạn triển khai này còn hạn chế.
Việc nâng cấp, cải tạo và xây mới đồng bộ hệ thống các không gian công cộng nói chung, đặc biệt là các công viên, vườn hoa trong khu vực nội đô Hà Nội là rất cần thiết. Tuy nhiên, do đặc thù đa dạng về vị trí phân bố, loại hình, chức năng sử dụng nên để hoàn thành kế hoạch nâng cấp, cải tạo, xây mới đồng bộ hệ thống các công viên, vườn hoa đòi hỏi sự quyết tâm của chính quyền và người dân Thủ đô cũng như cần có một cách tiếp cận tổng thể, bài bản và khoa học.
KTS Phạm Hoàng Phương - Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng)
Do vậy, các chuyên gia đề xuất trong giai đoạn này, cùng với cộng đồng dân cư, vai trò của các hội đồng chuyên gia liên ngành về kiến trúc, văn hóa, lịch sử, quản lý phát triển đô thị… dưới nhiều hình thức cần được đẩy mạnh và phát huy để góp phần gia tăng hiệu quả chung.