Đến thời điểm hiện tại, công việc cải tạo cơ bản hoàn thành. Nhưng trước tình hình dịch bệnh có mức độ lây lan nhanh, nhu cầu mở rộng khu cách ly là việc làm cấp thiết. Do vậy, các quận, huyện cần phải chủ động xây dựng phương án trong quá trình triển khai thực hiện.
Tận dụng tối đa nguồn lực
Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) Vũ Đức Minh cho biết, theo chỉ đạo của TP, trên địa bàn phường có 4 tòa nhà nằm trong dự án nhà ở sinh viên tại khu vực Pháp Vân - Tứ Hiệp, được bố trí cải tạo làm khu cách ly tập trung cho những trường hợp F1, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân dương tính Covid-19 (F0). Đến nay, đã đưa vào sử dụng, tiếp nhận trường hợp F1 ở tòa nhà A1, A2.
“Ngoài ra, chúng tôi đã hoàn thiện phương án mua sắm trang thiết bị (giường, chiếu, chăn, màn) ở tòa nhà A5, A6 báo cáo quận để tổng hợp báo cáo TP. Khi có đầy đủ trang thiết bị sẽ đưa vào hoạt động được ngay” - ông Vũ Đức Minh thông tin.
Trước đó, ngày 27/7/2021, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 2399/UBND-ĐT, yêu cầu các đơn vị tập trung hoàn thiện hạng mục còn lại của những dự án tái định cư được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, tại 10 dự án nhà tái định cư trên địa bàn.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo, ngoài 10 dự án được TP chỉ đích danh, một số địa phương khác cũng đã chủ động, xây dựng phương án bố trí quỹ nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội chưa được sử dụng phục vụ công tác cách ly phòng, chống dịch.
Quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội được trưng dụng làm khu cách ly cho bệnh nhân Covid-19 cần có biện pháp sử dụng lâu dài. |
Đơn cử, ở địa bàn huyện Đông Anh, theo chỉ đạo của TP phải bố trí từ 3.000 - 5.000 chỗ ở khu cách ly tập trung. Đến thời điểm hiện tại, huyện đã hoàn thành xây dựng phương án khu cách ly tập trung đảm bảo theo chỉ đạo. Trong đó, khu nhà ở xã hội CT3 (12 tầng, 3.500 chỗ), Trung tâm dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh niên Hà Nội (142 chỗ), tổng số 3.642 chỗ cách ly.
Theo KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có rất nhiều dự án nhà tái định cư, nhà ở xã hội đã hoàn thiện nhưng không có người đến ở, nhiều năm nay trong tình trạng bỏ hoang, hạ tầng xuống cấp do không được duy tu, bảo dưỡng, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
“Việc TP Hà Nội trưng dụng quỹ nhà ở tái định cư làm khu vực cách ly F1, cá nhân tôi cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế. Việc cải tạo, đưa vào sử dụng quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội chưa được sử dụng phòng, chống dịch bệnh sẽ tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có” - KTS Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận.
Có biện pháp sử dụng lâu dài
Theo kế hoạch, TP Hà Nội sẽ có 72 cơ sở các ly tập trung, khả năng cách ly trên 30.000 chỗ. Trong đó, tiếp tục duy trì 9 cơ sở cách ly trong doanh trại quân đội với 2.260 chỗ; 12 cơ sở cách ly tập trung dân sự đã kích hoạt với 7.955 chỗ; chuẩn bị 43 cơ sở cách ly tập trung quy mô 12.580 chỗ; 8 cơ sở đã thẩm định quy mô 7.300 chỗ.
Tuy nhiên, do biến chủng Delta và sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ngày càng nhanh, nên TP yêu cầu những quận huyện có cơ sở cách ly phải linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch, điều chỉnh phù hợp các khu cách ly tập trung.
Trên cơ sở đó, một số quận huyện đã đề xuất cải tạo, trưng dụng những diện tích không sử dụng để phục vụ công tác cách ly tập trung. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nảy sinh một số vướng mắc, đặc biệt liên quan đến nguồn kinh phí cải tạo, mua sắm trang thiết bị.
“Trên địa bàn huyện Đông Anh đang có một cơ sở cai nghiện nhiều năm nay không sử dụng, chúng tôi đang muốn cải tạo khu vực này thành khu cách ly tập trung để phòng trường hợp khi cần thiết. Nhưng việc này chưa thể thực hiện ngay được vì cần phải chờ ý kiến chấp thuận và phân bổ ngân sách của TP" - đại diện UBND huyện Đông Anh cho hay.
Để giải quyết vướng mắc trên, trong cuộc làm việc mới đây của Đoàn công tác số 5 - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội với Ban Thường vụ huyện Đông Anh, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nhấn mạnh, những địa bàn có nguy cơ cao về lây lan dịch bệnh như Đông Anh cần phải chủ động trong việc xây dựng phương án phòng, chống dịch, bao gồm cả việc bố trí dự phòng thêm các khu cách ly để sử dụng khi cần thiết, trong bối cảnh hệ thống cơ sở vật chất của TP đang rơi vào tình trạng quá tải.
“Có thể lấy Đông Anh làm thí điểm, huyện chủ động xây dựng phương án tài chính cho công tác cải tạo, trưng dụng các cơ sở không sử dụng, đủ điều kiện để làm khu cách ly tập trung khi cần. Phương án tài chính phải công khai, minh bạch, nếu gấp đề xuất phương án dùng ngay nguồn ngân sách dự phòng của địa phương, không chờ TP phân bổ ngân sách, báo cáo Thường vụ Thành ủy được thông qua sẽ bắt tay thực hiện ngay, tránh mất nhiều thời gian” - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nhấn mạnh.
Theo đánh giá, việc TP Hà Nội chủ trương trưng dụng quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội chưa sử dụng, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn hiện tại cho công tác cách ly, phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Nhưng để sử dụng được những cơ sở hạ tầng này TP vẫn phải mất một khoản tài chính để cải tạo, sửa chữa. Như vậy, TP đã bỏ ra kinh phí sửa chữa, cải tạo, sau khi hết dịch các địa phương cần phải chủ động xây dựng phương án để có thể sử dụng lâu dài, tránh tình trạng bỏ không, gây lãng phí nguồn lực như thời gian qua.
Về lâu dài, những toà nhà tái định cư được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhưng đến nay đang bị bỏ hoang và cả những tòa nhà đang được trưng dụng. Sau này không có người ở nên thu hồi lại và tiến hành tổ chức đấu giá, tạo lập nhà ở thương mại để bán cho những đối tượng tái định cư tránh gây thất thoát, lãng phí đất đai, nguồn lực xã hội. Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh |