Hiện khu vực nội thành Hà Nội còn 36 hồ chưa thực hiện xử lý bằng chế phẩm Redoxy-3C. Lý do là các hồ đang cải tạo hoặc chuẩn bị cải tạo (13 hồ), hồ không bị ô nhiễm tại thời điểm kiểm tra chất lượng nước (2 hồ), hồ có quy mô lớn hoặc không đủ điều kiện triển khai xử lý (20 hồ), hồ đang xử lý bằng chế phẩm của Mỹ (1 hồ). Khu vực ngoại thành còn 96/140 hồ chưa xử lý do chưa bố trí được kinh phí hoặc có nhiều rau bèo, phế thải không đủ điều kiện để triển khai.
Thân thiện với môi trườngVới mong muốn cải thiện điều kiện sống của người dân, đưa Hà Nội trở thành một điểm du lịch với đặc trưng nhiều hồ trong nội thành, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung rất tâm huyết trong việc tìm ra một công nghệ đơn giản, hiệu quả và giá thành hợp lý để áp dụng xử lý ô nhiễm các hồ trên địa bàn.Qua nhiều trao đổi, lựa chọn, TP đã quyết định đặt hàng công ty của Đức nghiên cứu, sản xuất độc quyền chế phẩm Redoxy-3C cho việc xử lý ô nhiễm các hồ tại Hà Nội. Redoxy-3C là một chế phẩm sinh học có thành phần thân thiện với môi trường cho kết quả xử lý nhanh ngay sau 24 giờ. Cách xử lý nước hồ cũng rất đơn giản, tiện lợi, chỉ cần một bước rải chế phẩm xuống hồ là xong, nên giải quyết được khuyết điểm của các công nghệ áp dụng trước đây. Các chuyên gia môi trường cho rằng, đây là lựa chọn hoàn toàn hợp lý, bởi chế phẩm sinh học này được sản xuất sau khi đã nghiên cứu kỹ hơn 30 mẫu nước tại các hồ của Hà Nội. Dạo quanh các hồ Kim Liên, Ba Mẫu, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thiền Quang… có thể thấy rất rõ, hiệu quả của công tác xử lý ô nhiễm nước hồ của Hà Nội thời gian qua. Nước ở các hồ hiện được cải thiện rõ rệt, cảnh quan đẹp khiến người dân hài lòng. Bà Phạm Thị Kim Hoa, trú tại số 1 Phạm Huy Thông chia sẻ: “Hồ Ngọc Khánh nằm tại vị trí trung tâm TP, hàng ngày, không chỉ người dân mà rất nhiều khách nước ngoài tản bộ ở đây. Sau khi xử lý ô nhiễm từ giữa năm 2016, hồ đã trong xanh, yên bình trở lại, người dân sống quanh hồ cảm thấy chất lượng môi trường sống được nâng lên. Du khách quốc tế cũng thích thú hơn khi tản bộ quanh hồ”.Trước đó, TP Hà Nội đã cho áp dụng 3 công nghệ xử lý duy trì như: Quản lý tổng hợp các thủy vực; cơ sinh - hóa - học; tổ hợp sinh học kết hợp với phương pháp kết tủa tại 8 hồ (Ngọc Khánh, Xã Đàn, Thanh Nhàn 1, Đền Lừ, Thanh Nhàn 2B, Trúc Bạch). Tuy nhiên, các công nghệ này có nhiều nhược điểm như thao tác phức tạp, mất nhiều thời gian thực hiện và hiệu quả xử lý không thấy ngay nên chưa được nhân rộng ra các hồ trên toàn TP. Theo kết quả quan trắc tháng 9/2016 của Công ty Thoát nước, có tới 120/122 hồ nội thành và 140/150 hồ ngoại thành bị ô nhiễm nước mặt so với quy chuẩn quốc gia.Cần xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng hồTheo ông Phan Hoài Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, từ tháng 8/2016, TP đã giao công ty thực hiện công tác xử lý ô nhiễm môi trường hồ. Trước hết là thí điểm xử lý ô nhiễm 3 hồ gồm Hố Mẻ, Ba Mẫu, Giáp Bát bằng chế phẩm Redoxy - 3C. Trong quá trình thí điểm, TP đã thành lập tổ công tác gồm các nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước để đánh giá hiệu quả thử nghiệm.
Sau 30 ngày, việc xử lý ô nhiễm nước tại 3 hồ thí điểm được đánh giá đã thành công, nước hồ không còn mùi khó chịu, không còn trong tình trạng ô nhiễm hữu cơ và hạn chế tình trạng phú dưỡng, công nghệ xử lý không ảnh hưởng sinh trưởng và phát triển của hệ sinh thái trong hồ. Quá trình xử lý đã nhận được sự nhất trí cao của người dân sinh sống xung quanh các hồ. “Thử nghiệm thành công, TP đã quyết định nhân rộng và đến nay, sau một năm thực hiện, Công ty Thoát nước Hà Nội đã xử lý được 86/122 hồ nội thành; 44/140 hồ ngoại thành bằng chế phẩm Redoxy – 3C” – ông Minh cho biết. Trong năm 2018, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ những hồ chưa được xử lý ô nhiễm; đồng thời, duy trì các hồ đã được xử lý đúng quy trình, bền vững. Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, GS.TS Mai Đình Yên (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để hiệu quả xử lý môi trường nước hồ được bền vững, Hà Nội nên xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng hồ để theo dõi quá trình xử lý.
Mỗi hồ có một đặc điểm, mức độ ô nhiễm khác nhau, nên cần có hồ sơ quản lý cụ thể để đưa các giải pháp phù hợp. “Thời gian tới cần làm sao cho những hồ này là một thực thể hoàn chỉnh, không chỉ sạch mà còn phải đẹp, sinh động, tạo cảnh quan như trồng cây xanh xung quanh, thả các loài sinh vật phù hợp” - GS.TS Mai Đình Yên nhận định.
Tôi đánh rất giá cao kết quả xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redoxy – 3C do Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện trong hơn một năm qua. Đáng nói, trong quá trình thực hiện công ty có sáng tạo ngay từ công tác phun giải (thay phun nổi bằng phun ngầm), quy trình công nghệ xử lý đã được bổ sung, cải tiến nhằm tiết kiệm chi phí, nhưng vẫn thu được đầy đủ các chỉ tiêu để đánh giá. Chế phẩm có tác dụng tốt, tuy nhiên cần tiếp tục duy trì theo dõi trên từng hồ để rút ra quy trình xử lý bền vững. PGS.TS Ứng Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam |