Tái thiết các khu vực dân cư cũ trong nội đô Hà Nội

Cải thiện không gian sống cho người dân

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với xây dựng, mở rộng các khu vực đô thị mới, TP Hà Nội đang tập trung vào kế hoạch cải tạo, chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu nhằm nâng cao chất lượng đô thị.

Trong đó, tại 4 quận lõi nội đô, chính quyền cùng các đơn vị xã hội đang tích cực đưa ra giải pháp nhằm cải thiện không gian sống cho khu vực dân cư cũ, đồng thời gợi mở cho việc thay đổi diện mạo, không gian đô thị trong tương lai.

Dãy khu chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng  
Dãy khu chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng  

Những khu dân cư bị “đóng kín”

Khu vực các quận lõi nội đô Hà Nội là Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đang tồn tại nhiều khu dân cư có mật độ xây dựng rất cao, tạo ra những không gian sống bị đóng kín, chật chội. Điều kiện nhà ở không đạt chuẩn cùng với sự thiếu hụt các công trình công cộng, dịch vụ xã hội đã tác động không nhỏ đến sự an toàn, sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân. Đây cũng chính là tác nhân tạo hình ảnh đô thị Thủ đô kém văn minh, hiện đại.

Trong 4 quận nội thành cũ của Hà Nội, Đống Đa có mật độ dân số cao nhất TP với khoảng 37.688 người/km2, cao gấp 15 lần mật độ dân số chung của toàn TP. Đây cũng là khu vực còn tồn tại nhiều khu dân cư cũ, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo chất lượng, đời sống cư dân đang trên đà xuống cấp.

Điển hình, tại phường Khâm Thiên - một trong những phường có lịch sử văn hóa lâu đời nhưng các công trình có lối kiến trúc chủ yếu là tự phát, không được xây dựng theo một hình thức kiến trúc chung. Bên cạnh đó, tỷ lệ cây xanh, mặt nước ngày càng giảm, tỷ lệ nhà cơi nới diện tích để sử dụng ngày càng tăng dẫn đến thiếu điều kiện ánh sáng và mất an toàn trong phòng cháy, chữa cháy cũng như giao thông.

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang cho biết, phường Khâm Thiên có diện tích 0,183km2, với 11 tổ dân phố, chia thành 8 khu dân cư với dân số là 10.028 người. Trên địa bàn phường có 2 tuyến phố chính là phố Khâm Thiên, Lê Duẩn và rất nhiều tuyến ngõ, ngách nhỏ với mật độ dân cư sinh sống và tham gia giao thông rất cao. Hạ tầng kỹ thuật, hè đường trên địa bàn phường mặc dù đã được duy tu, duy trì thường xuyên nhưng chưa được đồng bộ do điều kiện về mặt cắt hè, đường quá nhỏ và hẹp, đan xen nhiều ngõ ngách.

Ngoài ra, trên địa bàn quận có 15 khu tập thể cũ với hơn 500 dãy nhà tập thể. Đa phần, các nhà tập thể cũ trên địa bàn quận được xây dựng từ những năm 1960 - 1980 của thế kỷ trước và đến nay cơ bản đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp.

Tại quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long cho hay, với quỹ đất hẹp, mật độ dân cư cao, chất lượng nhà ở xuống cấp, nhà cổ, nhà cũ, lâu không được cải tạo, sửa chữa, vấn đề quản lý và sở hữu rất phức tạp. Ngoài ra, trên địa bàn quận đang rất thiếu các không gian công cộng, nhất là không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao, triển lãm nghệ thuật của người dân.

Đối với quận Ba Đình, Chủ tịch UBND quận Tạ Nam Chiến cũng nêu thực trạng, quá trình đô thị hóa, cùng với sự tăng nhanh dân số dẫn đến việc chia cắt các ô đất để xây dựng nhà ở cho nhiều thế hệ, không gian bị bê tông hóa, khoảng trống bị thu hẹp diễn ra tại nhiều phường như Ngọc Hà, Đội Cấn, Liễu Giai, Vĩnh Phúc, Cống Vị… Các khu đất trống bị lấn chiếm, san lấp, vườn cây bị phá bỏ để xây dựng nhà ở.

Cấu trúc làng xóm nhường chỗ cho những công trình nhà ống hình thành tự phát, diện tích nhỏ, xây dựng san sát dọc theo các con ngõ nhỏ; hạ tầng kỹ thuật không theo kịp với phát triển dân số; cây xanh, hạ tầng xã hội càng là vấn đề xa vời với nhu cầu người dân. Cùng với quy hoạch, kiến trúc cũng thiếu sự kiểm soát nên các giá trị kiến trúc truyền thống dần mai một.

Dãy khu chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Công Hùng
Dãy khu chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Công Hùng

Tạo sự đột phá

Trước thực trạng các tại khu dân cư phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, chính quyền các quận đang đẩy mạnh chỉnh trang, tái thiết nhằm giải quyết các tồn tại, bất cập, đồng thời tạo bước đột phá xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Theo ông Phạm Tuấn Long, quận Hoàn Kiếm đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng hiểu và cùng tham gia bảo tồn di sản, tái thiết đô thị. Thời gian qua, quận tiếp tục dành nguồn lực để giải phóng mặt bằng, tu bổ di tích, cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang mặt đứng các tuyến phố.

Quận đã hạ ngầm toàn bộ hệ thống đường dây điện 76 tuyến phố trong khu phố cổ. Thiết kế đô thị tuyến phố Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải – Trần Khánh Dư; Lý Thường Kiệt – Trần Hưng Đạo – Hai Bà Trưng. Đối với triển khai đề án giãn dân khu phố cổ hiện quận đã rà soát xong toàn bộ đề án gồm 2 dự án thành phần là dự án đầu đi và đầu đến.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, đã đề xuất lập Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực dân cư cũ trên địa bàn quận nhằm quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan. Theo đó, sẽ quản lý chặt về chiều cao, quy mô công trình nhà ở từ 3 - 4 tầng, khống chế mật độ xây dựng thấp dưới 60%...

Quá trình cấp giấy phép xây dựng khuyến khích người dân tự lùi vào để tạo không gian thoáng phía trước nhà. Kết hợp với đó, những dự án đầu tư công cải tạo và phát triển các không gian cây xanh - mặt nước, mở rộng đường trong làng xóm (tối thiểu 4m). Không cho phép chuyển đổi đất cây xanh, mặt nước, đất trống, đất làm nghề... để xây dựng công trình. Ưu tiên bố trí các công trình sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, sân chơi, bãi đỗ xe, điểm tập kết rác hợp vệ sinh và đảm bảo thẩm mỹ…

Đáng chú ý, cùng với chính quyền, nhiều đơn vị xã hội đã tích cực vào cuộc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về quy hoạch, kiến trúc nhằm tái thiết khu vực dân cư cũ trong đô thị. Tại quận Đống Đa “mô hình nhà ở tái lập” (mô hình tái định cư tại chỗ) được Công ty CP Kiến trúc xây dựng TTA Partners nghiên cứu thí điểm tại phường Khâm Thiên đã gợi mở giải pháp thay đổi diện mạo, không gian đô thị trong tương lai, nhất là tại một số khu vực có tình trạng xuống cấp, thiếu không gian xanh ở nội thành Hà Nội.

Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, sẽ giải tỏa toàn bộ diện tích nhà ở hiện nay tại khu dân cư cũ và thiết lập mô hình nhà ở mới với tầng cao từ 5 - 9 tầng, các block nhà sẽ được bố trí dọc theo các tuyến phố, tạo ra không gian mở, nâng cao tính gắn kết cộng đồng. Không gia tăng thêm dân số và trả lại diện tích đúng bằng diện tích đất người dân đang sở hữu…

KTS Nguyễn Thu Hương – Giám đốc Phát triển dự án Công ty CP Kiến trúc xây dựng TTA Partners cho biết, “mô hình nhà ở tái lập” là đề tài mang tính gợi mở, đặt ra cho một tương lai xa dựa trên quá trình quan sát thực trạng các khu ở lâu năm chất lượng thấp của dân cư trong 4 quận nội đô của Hà Nội.

Đây là vấn đề khó, phức tạp sẽ phải được thực hiện từng bước và trong rất nhiều năm, nhằm tạo dựng không gian, bộ mặt đô thị văn minh, cuộc sống người dân được cải thiện toàn diện. Việc này đòi hỏi có sự chung tay rất lớn của nguồn lực xã hội, chính quyền và đặc biệt là cộng đồng dân cư.

 

Tại khu vực nội đô lịch sử đang phải đối diện với không ít các bất cập, do tốc độ phát triển đô thị nhanh. Trong đó, nổi cộm là hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh, nhất là khu vực phía Tây và phía Nam TP như tại các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, diện tích đất dành cho giao thông hiện mới chỉ có khoảng 14%, đạt khoảng 1/2 so với quy chuẩn. Ngoài ra, các công trình công cộng đô thị như cây xanh, công viên, vườn hoa, hệ thống trường học cũng thiếu so với quy chuẩn hiện hành.

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần