Cải thiện môi trường kinh doanh để bù đắp khó khăn bên ngoài

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chính phủ sẽ tìm cách cải thiện môi trường kinh doanh để số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) ít nhất tăng 10% so với năm 2023.

Giảm chi phí kinh doanh

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Trọng tâm của Nghị quyết này nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, đẩy mạnh phân cấp phân quyền để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đồng thời thiết lập cơ chế rõ ràng về bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh trong trường hợp có sự không thống nhất, khác biệt về quy định giữa các văn bản pháp luật.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo đó, phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.

Năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp phản ánh chi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện nay cao và có xu hướng tăng ở 4 nhóm chính như: các chi phí có liên quan đến lao động; chi phí tài chính ngoài thuế; chi phí vốn; chi phí vận tải, logistics.

Có những vấn đề được doanh nghiệp kiến nghị nhiều, đó là là yêu cầu rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo; không cản trở, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Hay yêu cầu rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo nguyên tắc cơ quan có thẩm quyền quy định tiêu chuẩn an toàn, người sản xuất, kinh doanh tự tuân thủ; áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa.

Một diễn biến đáng lo ngại trong năm qua là tình hình thiếu điện vào tháng 5-6 ở miền Bắc. Để Việt Nam thu hút mạnh mẽ hơn nữa các dự án đầu tư, nhất là lĩnh vực sản xuất, công nghệ cao trong giai đoạn sắp tới thì chắc chắn cần phải khắc phục được vấn đề này.

Ngoài ra, trong năm 2023 đã có một số vấn đề nóng ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động đầu tư, kinh doanh, như: tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy làm cho rất nhiều dự án đầu tư, công trình xây dựng bị chậm trễ, phát sinh nhiều chi phí; Hoàn thuế VAT chậm trễ làm cho các doanh nghiệp nhiều ngành như gỗ, cao su, sắn, điện tử... gặp nhiều khó khăn, thiếu dòng tiền.

Chi phí vận tải và logistics của Việt Nam vẫn cao do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hoàn thiện, mức độ kết nối giao thông chưa tốt. Việc triển khai các dự án giao thông lớn, trọng điểm gặp nhiều vướng mắc và thường xuyên chậm trễ. Mặc dù, Chính phủ rất nỗ lực trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia, song tình trạng chi phí vận tải cao vẫn sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa, đặc biệt là ở khu vực miền Nam.

Ngay cả nhóm giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp còn khó khăn… Bên cạnh đó, chi phí vốn của doanh nghiệp Việt Nam cũng rất cao. Từ cuối năm 2022 cho đến đầu năm 2023, lãi suất biến động tăng mạnh, dù hiện nay đã có chiều hướng giảm khá nhanh nhưng đó là lãi suất ngắn hạn. Lãi suất dài hạn và lãi suất trung bình của đồng tiền Việt Nam luôn cao hơn vài điểm phần trăm so với lãi suất của các đồng tiền khác trong khu vực.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) bày tỏ, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ thuế, phí như tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Ngoài ra, liên quan đến việc hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát và sửa đổi ngay các quy định liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay…

Ngoài ra, để hỗ doanh nghiệp phát triển, thời gian tới cần tạo thuận lợi cho DN về thủ tục thành lập, đất đai, hải quan… Cùng với đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam - liên minh châu Âu (EVFTA), đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn, đào tạo, lao động có tay nghề và đội ngũ chuyên gia…

Cải cách chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật

Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nói, bên cạnh các chính sách hỗ trợ DN, để tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cũng như tiếp tục tăng sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh, các cơ quan chức năng cần tiến hành nhiều giải pháp như tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng nhân lực, thúc đẩy sản xuất công nghiệp nội địa… Trong đó, cần tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính là giảm chi phí kinh doanh cùng với cải cách việc thực thi pháp luật.

Năm 2023 cũng như nhiều năm trước, việc hoàn thiện thể chế và tăng cường chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật là vấn đề được Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm. Trong năm 2023, nhiều đạo luật lớn được sửa đổi, đã và sẽ thông qua trong thời gian tới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đề nghị một số giải pháp cần làm để nâng cao chất lượng pháp luật và tính dự đoán của pháp luật như: tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, đặc biệt đối với các thông tư, các quy hoạch, kế hoạch; các quy định theo hướng tăng nặng nghĩa vụ của doanh nghiệp cần có lộ trình thực hiện kéo dài hơn, thay vì mức chỉ 45 ngày như quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bãi bỏ dần quy định về thời hạn của các loại giấy phép con; Áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để giảm sự tuỳ tiện khi thi hành pháp luật.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, khảo sát doanh nghiệp hàng năm về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của VCCI cho thấy, tính ổn định và khả năng dự đoán được pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, trong cả giai đoạn ban hành pháp luật và thực thi pháp luật. Tỷ lệ doanh nghiệp "luôn luôn" hoặc "thường xuyên" dự đoán được sự thay đổi quy định pháp luật của chính quyền cấp tỉnh giảm từ mức 16% năm 2014 xuống mức 5% năm 2021 và 3,42% năm 2022.

Chất lượng pháp luật rất quan trọng nhưng đi kèm với đó là phải đảm bảo việc thực thi pháp luật. Những chỉ đạo và giải pháp mà Nghị quyết số 02 của Chính phủ đề ra đúng trọng tâm, đúng mong muốn, đúng thực tế. Nếu khâu thực thi tốt và cơ cơ chế giám sát tốt thì chắc chắn sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ đến nền kinh tế nói chung, và tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

“Lấy ổn định chính sách trong nước để bù đắp cho những bất ổn của toàn cầu, bất ổn về tài chính trên thế giới. Nếu chúng ta thực hiện các giải pháp cải cách một cách thực chất, mang lại môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp vừa giúp doanh nghiệp vượt khó khăn trước mắt cũng như tích tụ nguồn lực cho dài hạn”- nguyên Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, CIEM TS Nguyễn Đình Cung nhận định.

 

Năm nay Chính phủ đã ban Nghị quyết 02 tương tự như Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 trước đây, điều này có thể giúp môi trường kinh doanh cải thiện đáng kể sẽ phần nào bù đắp được những khó khăn do bối cảnh bên ngoài. Môi trường kinh doanh được cải thiện sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước, hiện đang chiếm hơn 60% tổng đầu tư xã hội. Cải cách, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh là điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhiều nhất. Đồng thời, đó cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ nhất và ít tốn kém nhất. (TS Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng CIEM).