Cải thiện PCI bằng hành động cụ thể

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưởng nhóm nghiên cứu Xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - GS.TS Edmund Male...

Kinhtedothi - Trưởng nhóm nghiên cứu Xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - GS.TS Edmund Malesky - Đại học Duke (Mỹ), từng chia sẻ: "Là Thủ đô của cả nước, Hà Nội không chỉ phải giải quyết các vấn đề riêng của địa phương, mà còn phải giải quyết cả các vấn đề của cả nước. Đây là lý do vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội chưa cao bằng một số địa phương khác. Khó khăn của Hà Nội rất đặc thù nhưng tôi tin Hà Nội sẽ giải quyết được”. Và sự tin tưởng đó của ông Malesky là có cơ sở.

“Không vội” vì sao?

Hàng trăm lý do để giải thích vì sao “Hà Nội không vội được đâu”. "Ông ơi, bà ơi…, xin hãy từ từ" ra đời từ thuở còn bao cấp hay trước đó cũng không biết nữa. Người Hà Nội lúc làm, ăn, hay vui chơi... dường như bất kể khi nào, ở đâu, với ai đều không ồn ào, vội vàng... Dù có bực tức, vui, buồn, mong mỏi, sốt ruột đến mấy cũng cứ nhẹ nhàng, từ tốn, khoan thai… Cái cung cách ấy, phong thái ấy nó ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu đậm vào quan hệ ứng xử, kể cả trong giải quyết công việc nơi cơ quan công sở... Qua thời bao cấp đến thời kinh tế thị trường, ai vội mặc ai, một bộ phận cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm cá nhân, đánh võng, thậm chí còn nhũng nhiễu, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của DN, nhà đầu tư, người dân. Cái lý sự chậm chạp, đủng đỉnh, từ từ... đến mức khiến người ta phải bất bình, sốt ruột, khiến không ít nhà đầu tư, DN khi được hỏi phải thốt ra, nhiều cơ hội bị bỏ lỡ vì chậm phê duyệt, chậm triển khai dự án...
Làm thủ tục đăng ký thành lập DN tại bộ phận một cửa Sở KH&ĐT. 	ảnh: Hoàng Anh
Làm thủ tục đăng ký thành lập DN tại bộ phận một cửa Sở KH&ĐT. ảnh: Hoàng Anh
Chỉ nhìn từ bảng xếp hạng PCI của Hà Nội năm 2014 tăng 25 bậc so với năm 2012 (51/63), 7 bậc so với năm 2013 (33/63) cao nhất kể từ khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) điều tra và công bố đến nay cho thấy, việc cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư của Hà Nội có sự cải thiện đáng kể, song qua các hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN có thể thấy, chỉ số này vẫn chưa xứng với Hà Nội. Nguyên nhân là vì vẫn còn những “nút thắt”, tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “một “cửa” nhưng “nhiều khóa” vẫn còn tồn tại. Hệ lụy để lại khiến nhiều dự án của nhà đầu tư trong và ngoài nước đình trệ. Có dự án bị kéo dài vài chục năm… Những việc như vậy, ở một Thủ đô “đất vàng” đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chuyện “bình thường”.

Sức cạnh tranh đã và sẽ khác

Những phàn nàn, bức xúc của DN, người dân đã được lãnh đạo TP tiếp thu, đón nhận với tinh thần cầu thị để rồi có những giải pháp cụ thể khắc phục. Bằng chứng là trong năm 2015 vừa qua, TP thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội (HITTPC) là cầu nối giữa chính quyền TP với DN. Nhằm tạo lập môi trường đầu tư, thương mại, du lịch theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh làm ăn thành công và lâu dài tại Thủ đô.

Mặt khác, trong những năm gần đây, lãnh đạo TP đã chủ trì tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt, từ cơ sở các quận, huyện, thị xã và sở, ngành của TP cũng tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc DN - khẳng định quyết tâm đồng lòng từ TP cho đến cấp dưới đồng hành cùng DN, người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, năm 2015, TP phân bổ 65 tỷ đồng cho chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, góp phần hỗ trợ các DN tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường. Hỗ trợ lãi suất với tổng kinh phí 35,3 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho 12 DN với số tiền 11 tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất, kinh doanh cho 14 DN số tiền 24,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện giảm thời gian giải quyết thủ tục thành lập DN từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày. Rà soát và kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét cắt giảm 61 TTHC đạt tỷ lệ 14,7%, đơn giản hóa 76 TTHC đạt tỷ lệ 18,4% đối với người nộp thuế…

Ở góc độ khác, tại buổi tọa đàm “Hà Nội đã thay đổi như thế nào?” với sự tham gia của nhiều diễn giả vừa diễn ra mới đây, ông Đặng Văn Trung - một Việt kiều châu Âu nhìn nhận: “Hà Nội đã có nhiều thay đổi, đó là nhận xét chung của nhiều người nước ngoài khi có điều kiện quay lại Việt Nam. Đó là sự thay đổi về diện mạo, về sự phát triển của một nền kinh tế, sự thay đổi về đời sống người dân đã được nâng cao. Chúng ta thấy nhiều xe cộ trên đường, nhiều cửa hàng, công trình xây dựng. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, trong một thời gian dài như vậy, những sự thay đổi đó cũng chưa làm chúng ta cảm thấy hài lòng”.

Năm 2016 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng và là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc hình thành Cộng đồng ASEAN và ký kết, triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa đem lại cơ hội phát triển nhưng cũng có không ít thách thức. Hà Nội tiếp tục chọn công tác cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá, với quyết tâm tiếp tục tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô…
6 nhiệm vụ trọng tâm  và các giải pháp chủ yếu của TP Hà Nội nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh
1. Tiếp tục tổ chức triển khai Kế hoạch hành động số 117/KH-UBND ngày 27/5/2015 của UBND TP thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và TP.
2. Tập trung rà soát, cắt giảm thời gian và chi phí thực hiện các TTHC liên quan trực tiếp đến DN. Phấn đấu góp phần cùng cả nước đạt chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt tối thiểu mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế năm 2016.
3. Triển khai, thực hiện có hiệu quả các luật mới ban hành: Luật DN, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Phá sản... giúp thị trường vận hành tốt và hiệu quả hơn.
4. Đẩy mạnh việc công khai, minh bạch hóa thông tin cho DN. Công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, DN, tập trung trên các lĩnh vực quản lý xây dựng, đất đai, cấp giấy phép đầu tư, thành lập DN, kê khai và nộp thuế, phí và lệ phí, hải quan. Công bố, công khai minh bạch bằng nhiều hình thức (trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản có quy định về TTHC và cơ quan thực hiện TTHC, niêm yết trực tiếp tại trụ sở cơ quan trực tiếp giải quyết TTHC...) về quy trình thủ tục, thành phần hồ sơ, các loại biểu mẫu, hướng dẫn chi tiết để hoàn thiện mẫu TTHC, quy định thời gian giải quyết, các mức phí, lệ phí theo quy định để người dân và DN dễ hiểu và dễ thực hiện.
5. Xây dựng phong cách làm việc của bộ máy chính quyền các cấp đối với DN và công dân theo hướng phục vụ, thân thiện, chuyên nghiệp và tạo điều kiện tối đa. Tạo lập lòng tin và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa DN với các cơ quan quản lý Nhà nước. Nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra trong thực hiện TTHC và công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các cấp chính quyền; phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho tổ chức, cá nhân khi thi hành công vụ.
6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước gắn với việc đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính. Đẩy mạnh công tác xây dựng Chính quyền điện tử. Phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; trước mắt tăng tỷ lệ giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính qua mạng.