Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng để thu hút người tiêu dùng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm triển khai, Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, đặc biệt là đã làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng (NTD) trong việc ưu tiên dùng hàng Việt.

Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu đề ra đòi hỏi DN tiếp tục phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi đây là yếu tố quyết định sự thành bại của CVĐ.

92% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt

Theo kết quả điều tra do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo T.Ư thực hiện, có 92% NTD được hỏi "rất quan tâm" và "quan tâm" đến CVĐ; 63% NTD "tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam", 54% NTD "khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam"…

Số liệu nghiên cứu của Công ty Nielsen cũng cho biết, có đến 90% NTD tại TP Hồ Chí Minh và 83% NTD tại Hà Nội chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt Nam khi mua sắm. Điều này được thể hiện ở số lượng tiêu thụ sản phẩm của các mặt hàng dệt may, da giày… sản xuất trong nước. Theo ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), sau 5 năm thực hiện CVĐ, tổng doanh thu nội địa của Vinatex tăng dần, năm 2014 tăng khoảng 10% so với năm 2013.

 
Người dân chọn mua hàng tại Hội chợ hàng Việt Nam do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức tại huyện Mê Linh. 	Ảnh: Phạm Hùng
Người dân chọn mua hàng tại Hội chợ hàng Việt Nam do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức tại huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% NTD ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả là 58%… Trong hệ thống siêu thị, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn, từ 80 - 90%. CVĐ góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu, đồng thời có tác dụng kêu gọi DN Việt Nam đẩy mạnh đầu tư, nâng cao chất lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của NTD trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU... Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ, tác động tích cực đến thói quen mua sắm của NTD.

Nâng cao chất lượng hàng nội

Ban chỉ đạo CVĐ đặt mục tiêu đến năm 2020, hàng Việt có thế mạnh chiếm 80% thị phần các kênh phấn phối truyền thống ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam nêu vấn đề: Hiện, hàng Việt Nam chủ yếu phục vụ người dân có thu nhập trung bình khá. Còn thị trường nông thôn rộng lớn lại "bỏ trống" cho hàng nhập ngoại giá rẻ chiếm lĩnh.

Có tình trạng này là do hoạt động phối hợp giữa DN với Ban chỉ đạo CVĐ trong việc tuyên truyền chưa chặt chẽ, hoạt động này chủ yếu do DN thực hiện để kích thích tiêu thụ sản phẩm. Điều đó dẫn đến tình trạng DN không đẩy mạnh đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã sản phẩm, dẫn đến khó cạnh tranh với hàng ngoại.

Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược hành động quốc gia "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Đồng thời, Ban chỉ đạo T.Ư CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đề nghị Hội Bảo vệ NTD tham gia giám sát chất lượng của các nhà sản xuất. Bên cạnh đó, rất nhiều cách làm mới, sáng kiến mới cũng được đưa ra như đề xuất cần có CVĐ "Nhà sản xuất Việt Nam yêu NTD Việt Nam", "DN Việt sản xuất hàng Việt tốt"… Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị các bộ, ngành tổ chức các hình thức vinh danh đối với DN sản xuất hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; lựa chọn 70 - 100 mặt hàng thương hiệu Việt tiêu biểu để tôn vinh mỗi năm... 

Cùng với việc vận động NTD sử dụng hàng Việt thì việc phát động DN sản xuất nhiều hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, giá cạnh tranh có thể xem là vấn đề cốt lõi để tăng sức cạnh tranh hàng Việt tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, để kích thích NTD trong nước quan tâm và sử dụng hàng Việt nhiều hơn, DN cũng cần quan tâm đến truyền thống, tập quán, nét văn hóa dân tộc; Đẩy mạnh việc thông tin, hướng dẫn cho NTD khi mua và sử dụng sản phẩm nội, mở rộng mạng lưới bán lẻ tại vùng nông thôn, từ đó tạo thói quen mua sắm hàng Việt cho NTD vùng sâu, vùng xa.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước cần chú ý những hàng rào kỹ thuật, các biện pháp kiểm soát thị trường để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng nhập vào thị trường nội địa. Tóm lại, các nhà sản xuất cần làm ra những sản phẩm tốt, nhà phân phối không buôn bán hàng giả, kém chất lượng, nhà quản lý đưa ra những giải pháp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái kém chất lượng… Qua đó kích thích NTD ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam chất lượng tương đương hàng xuất khẩu nhưng giá bán lại rẻ hơn.