Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cạm bẫy của cuộc sống ảo

Nhà văn Nguyễn Việt Chiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, với sự xuất hiện của các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, Zalo, Youtube… cùng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, “cuộc sống ảo” đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động giải trí tinh thần của giới trẻ và nhiều người khác.

Thời đại của công nghệ điện tử đã mở ra những chân trời mới đối với loài người khi mạng xã hội, các kênh thông tin phát triển và trở thành nơi giải trí, thỏa mãn tinh thần cho con người.
Hiện tượng sống ảo bắt nguồn từ việc giới trẻ mong muốn được thể hiện bản thân, khát khao được nổi tiếng, trở thành một hiện tượng xã hội thu hút sự quan tâm của mọi người. Họ không chọn cách nổi tiếng bằng con đường học hành, thi cử hay nổi tiếng bằng những việc làm có ích cho xã hội mà thay vào đó là sự nổi tiếng do những phát ngôn gây sốc, những tấm ảnh chỉnh sửa quá đà.
Ảnh minh họa.
Mong muốn được khoe khoang bản thân cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sống ảo. Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm của gia đình, người thân cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các bạn trẻ. Vì ngại chia sẻ với những người xung quanh nên họ có thể chia sẻ mọi chuyện với một người xa lạ trên mạng xã hội.
Sống ảo cũng bắt nguồn từ sự nhận thức lệch lạc của mỗi người. Họ cho rằng sống ảo là lối sống thời thượng, rất phù hợp với thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay. Có thể thấy, sống ảo trên mạng xã hội là một cách sống không thực tế, hoang tưởng, mơ hồ, không tồn tại trong cuộc sống.
Sống ảo khiến cho các bạn trẻ đánh mất đi quyền giao lưu, quyền được vui chơi tham gia vào những chương trình, vào những hoạt động cộng đồng mà ở đó các bạn có thể trực tiếp kết bạn, trực tiếp trò chuyện với những con người thật. Và trong thế giới ảo, bạn ngồi đó và chỉ cần gõ, một cú click chuột là có thể kết bạn giao lưu với mọi người trên khắp thế giới.
Trên mạng xã hội, những hình ảnh nhạy cảm luôn thu hút sự hiếu kì của dư luận. Nhiều bạn trẻ đã lạm dụng điều này để đăng những tấm hình khoe những bộ phận gợi cảm trên cơ thể để ảnh của mình được nhiều like. Họ lấy việc người khác like, comment, share ảnh của mình làm niềm vui. Cũng có những người chăm chỉ đi bình luận dạo ở các trang Facebook để trở thành fan cứng.
Thậm chí, nhiều bạn trẻ có thói quen chuyện gì cũng đăng lên Facebook, chuyện gì cũng mang lên mạng xã hội để khoe khoang. Ngay cả chuyện hôm nay ăn uống những gì, đi chơi ở đâu họ cũng đăng lên mạng xã hội. Những sự bực tức, bức xúc cũng được giới trẻ chia sẻ trên mạng xã hội cũng nhận về một lượt tương tác khá lớn. Có người đăng những dòng trạng thái như vậy là muốn có người sẻ chia đồng cảm nhưng có những người chỉ đăng để xem status đó có bao nhiêu lượt like, comment. Họ lấy đó làm thú vui tiêu khiển.
Từ khi ra đời đến nay, mạng xã hội được coi là môi trường lý tưởng để những tài năng tìm kiếm cơ hội tỏa sáng. Không ít người trong số họ đã thành công, thành biểu tượng của nghệ thuật, giải trí hiện đại bằng những chương trình, tác phẩm có chất lượng về hình ảnh, âm thanh, nghệ thuật.
Dù vậy, môi trường này đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, cạm bẫy khi cho phép người dùng phô bày công khai những thói hư, tật xấu, khuyến khích các trào lưu dung tục, phản cảm. Nếu không kịp thời ngăn chặn, những hành vi cá nhân này sẽ có nguy cơ làm chệch hướng sự phát triển của thế hệ trẻ.
Ngoài ra do sự phát triển của công nghệ thông tin, giới trẻ với sự hiếu kỳ, tò mò, đã chạy đua một cách vô thức mà không có sự kiểm soát của lý trí. Điều quan trọng, sự quan tâm, quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội cũng bị buông lỏng và còn nhiều thiếu sót cũng là một nguyên nhân chính. Có một thực tế, thói quen sống ảo nếu không kiểm soát sẽ tác động mạnh tới tâm lý và nhân cách, làm con người rối loạn tâm lý, sống hoang tưởng, tiêu cực, có thể có hành vi chống đối xã hội, hay dẫn tới tình trạng lo âu, trầm cảm.
Mạng xã hội bao giờ cũng là con dao hai lưỡi đối với người sử dụng. Nếu sử dụng đúng cách, mạng xã hội trở thành nơi cung cấp nguồn thông tin hữu ích, nơi ta có thể giao lưu kết bạn và học hỏi những người xung quanh về những kinh nghiệm trong cuộc sống. Nhưng đối với những người sử dụng một cách không đúng đắn thì mạng xã hội sẽ kéo ta vào một cuộc sống ảo với những ham muốn tầm thường để đáp ứng nhu cầu tinh thần, đó cũng là nơi dễ lây nhiễm những thói hư tật xấu.
Vậy phải làm gì để hiện tượng sống ảo ở giới trẻ được hạn chế? Trước hết, chính những người sử dụng phải nhận thức được mặt có lợi và có hại của mạng xã hội và học cách sử dụng chúng một cách hữu dụng nhất. Bên cạnh đó, sự quan tâm, giám sát, khuyên bảo thấu đáo của người thân trong gia đình đối với các bạn trẻ cũng sẽ giúp họ điều chỉnh những thói quen không có lợi trong “cuộc sống ảo”.