KTĐT - Từ An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) đến ngã tư Quốc Oai- Thạch Thất, những ngày cận Tết này, trên con đường cao tốc Láng- Hoà Lạc đang làm dở còn ngổn ngang đất đá, có đến năm sáu “vườn cam Canh” được di từ những vùng cam Canh nổi tiếng như An Khánh, Song Phương, Vân Côn, Đắc Sở…lên đường bán cho khách chơi cây.
Những “vườn cam Canh” bên đường này, vườn nhiều có đến ba bốn trăm cây, ít cũng vài trăm cây. Hầu hết cây trong “vườn” đều trồng trong chậu, chỉ có rất ít cây được bó gốc để cho khách mua tự trồng. Cây nào cây nấy trĩu quả, quả nào quả nấy rực lên một thứ màu rất đặc trưng của cam, không biết những trái cam này có bị phun loại thuốc gì để giữ màu, giữ quả không, chỉ biết trông những trái cam thật đã con mắt. Chỉ vào một cây cao chừng hơn một mét, trồng trong cái chậu xi măng đỏ đường kính 0,6 mét, trên cây ước chừng hơn ba chục trái, tôi hỏi ông chủ vườn: "Cây này bao nhiêu?". Triệu mốt bác ạ. "Năm nay, có cây nào trăm trái không?". Vườn em có hai cây, nhưng người ta đặt rồi. "Bao nhiêu một cây?". Đúng năm triệu bác ạ.
Như vậy là giá loại cây cảnh này năm nay đắt hơn nhiều. Tết năm ngoái, một cây cam cảnh có trăm trái chỉ hơn ba triệu, còn loại cây “tầm tầm” mà năm nay các chủ vườn “hét” một triệu cho đến hai triệu, hai triệu rưỡi…thì Tết năm ngoái chỉ tám trăm cho đến triệu tám, hai triệu là cùng. Cây cam Canh gia nhập vào làng cây cảnh mới được mấy năm nay, và nó lập tức thu hút người chơi cây cảnh Tết. Đào, quất chơi mãi cũng chán, người ta thích cây cam Canh bởi cái vẻ đẹp tự nhiên, dân dã của nó, nhất là những trái cam vàng rực trên cây. Tết, cây cam đến nhà nghĩa là “cam lai”, khổ tận thì ắt cam lai, lẽ biến thông của đời người là vậy.
Anh Mười, chủ một "vườn cam Canh" trên đường cao tốc cho biết. Cam Canh là loại “con gái nhà giầu”, khó tính vô cùng. Để có được một trái cam Canh, người trồng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt gấp mấy lần trồng một trái cam loại khác. Cây cam Canh có hàng trăm thứ bệnh, hơi một tý là von lá, nấm lá, hơi một tý là thối rễ…cây ra trái, trái chín rồi vẫn chưa chắc, bởi chỉ sơ ý một chút là trái nứt tứ tung. Nhưng bù lại, cam Canh có giá rất cao. Cam vừa chín, thương lái đã đến mua trọn từng vườn với giá trên bốn chục ngàn một ký lô để giáp Tết hái mang ra Hà Nội hay vào trong Nam. Còn những ngày cận Tết này, giá một cân cam Canh bán lẻ tại vườn đã sáu bẩy chục ngàn rồi.
Trồng cam Canh lấy trái bán đã khó, trồng cây làm cây cảnh bán còn khó hơn. Từ lúc trồng cây con cho đến lúc thành cây cam cảnh đem bán, thời gian phải hai năm. Muốn năm nào cũng có cam cảnh bán thì phải trồng luân phiên. Khi bứng cây ở vườn này đem bán thì trong nhà đã phải có một vườn khác một năm tuổi, cao chừng năm sáu tấc rồi. Và loại cây một năm tuổi ấy, mùa xuân năm nay phải đơm hoa kết trái thì cuối năm mới bán được.
"Cái khó nhất là khiến cho loại cây đó đơm hoa, kết trái đấy bác ạ. Có hoa, có trái rồi, lại phải lo cho trái đậu. Cây năm sáu tuổi đậu quả là chuyện bình thường. Cây một tuổi đậu quả rất khó, do sức cây còn non. Phải tính toán làm sao cho số quả trên cây vừa với sức của cây, thì khi đem bán, cây mới có cái vẻ cân đối giữa dáng, thế và quả. Cây nhiều quả mà còi cọc hay cay mơn mởn mà quả lưa thưa, đều hỏng. Tháng mười âm lịch thì đánh cây vào chậu. Trồng vào chậu xong lại chôn luôn cả chậu cây xuống vườn, làm cây sống hẳn đến giáp Tết"- anh Mười cho biết.
Vất vả là vậy, nhưng nếu thắng, thì một sào cam Canh cảnh có giá còn hơn cả một sào đào hay một sào quất. Một sào quất cảnh, số cây ít hơn một sào cam cảnh nhưng cây quất đẹp nhất giá cũng chỉ tương đương với một cây cam bình thường. Sào đào, trừ đào thế ra, thì cũng vậy.Trong một sào cam Canh cảnh mà “vớ” được dăm ba cây có đủ trăm trái, thì mở cờ trong bụng rồi. Những người sành chơi cam cảnh thường dạo các vườn cam từ đầu tháng mười một hay cuối tháng mười âm lịch để săn tìm loại cây trăm trái này. Những vườn cam Canh trên đường cao tốc bán khá chạy. Những ngày này, mỗi vườn cũng bán được vài ba chục cây. Anh Mười kể, áp Tết năm ngoái, từ hăm tám đến chiều ba mươi, mỗi ngày anh bán vài trăm cây.