Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cam chịu đâu phải là hay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay cũng như năm ngoái và như nhiều năm đã qua, chị Thủy chờ từng ngày đón Hằng về nhà ăn Tết.

Chờ vậy nhưng chị biết, nếu mùng 10 phải đến trường thì mùng 9 nó mới từ ngoại về nhà với chị, rồi sáng hôm sau lại lập tức sang nhà trọ gần trường để đi học. Hằng là con gái do chị sinh ra, nhưng chẳng biết bao giờ mới có lại được một cái Tết đoàn viên. Năm nào về quê chồng ăn Tết, chị cũng day dứt nghĩ đến nó. Âu cũng là tại chị hết…

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Mấy năm trước, dù mang danh "gái góa" (chồng chị Thủy bị bệnh mất khi Hằng mới được 7 tuổi), nhưng mẹ con chị đề huề, sum họp bên bà ngoại mỗi khi Tết đến. Nghề nha khoa với phòng khám và làm răng giả thừa sức mang lại cho mẹ con chị cuộc sống sung túc. Chị vẫn còn nhớ ngày ấy, đến bộ ấm chén trong nhà chị cũng kỳ công tìm mua cho được loại vừa sang trọng vừa "độc", chứ chẳng nói gì đến đồ ăn thức uống cho ba ngày Tết, áo quần mặc hàng ngày…

Rồi ở tuổi 35, chị gặp anh - chàng kỹ sư cầu đường kém chị tới 4 tuổi và say luôn cái tình tứ của chàng trai chưa vợ, lẫn phong trần của dân làm xây dựng. Cũng phải nói chàng kỹ sư cầu đường, từ chỗ không ngờ "cô ấy trẻ thế mà đã 35 tuổi" đến chỗ say chị như điếu đổ bởi cái nhan sắc trời phú và nụ cười như tỏa nắng. Rồi mặc kệ những lời can ngăn, mặc kệ những vấp váp mà chị nhìn thấy ở con đường phía trước, chị theo anh về ra mắt gia đình với lời "nói dối": Hai đứa bằng tuổi nhau và Hằng - đứa con gái của chị, cũng phải "bé" tuổi đi. Rồi mặc kệ sự không bằng lòng phía bên nhà anh, đám cưới vẫn diễn ra một năm sau ngày anh chị quen nhau. Chị bỏ phòng khám, khăn gói theo anh về Hà Nội bắt đầu cuộc sống mới. Nhà cửa đi thuê, công việc dựa vào đứa em gái (cũng mở phòng khám nha khoa)... rồi con gái chị đỗ đại học…

Cũng từ đó, cuộc sống áo cơm nảy sinh ưu phiền khiến những riêng tư tưởng như được xoa dịu bằng tình yêu, lại như cái gai trước mắt. Đã có con riêng, đứa con chung chị sinh cho chồng lại là gái, trong khi anh là con trai trưởng; Anh bỏ việc cũ tìm việc mới mong có cơ hội tốt hơn trong nghề nghiệp… Rồi để tránh những câu nói nhát gừng của anh làm chạnh lòng đứa con gái đã đến tuổi biết nghĩ, chị dứt ruột cho Hằng đi thuê nhà trọ gần trường với lý do "đỡ phải đi lại vất vả". Chị dường như luôn thấy mình "yếu thế" hơn nên lúc nào cũng nín thinh nhường nhịn, chịu lép vế, một mình lo toan chu tất mọi bề cho cửa nhà yên ấm: Tiền thuê nhà đang ở, tiền học và thuê nhà của Hằng, tiền ăn của cả nhà, tiền thuê bảo mẫu trông con nhỏ… Khổ mấy chị cũng cam chịu, nhưng day dứt nhất là mỗi dịp lễ Tết, anh chị ôm đứa bé về nhà nội, Hằng lại như van xin: "Con xin mẹ đấy! Mẹ cho con về với bà ngoại!". Còn cách nào khác hơn dù chị không muốn và chị biết Hằng cũng đang nghĩ cho chị một phần…

Nhìn những cam chịu của chị, đứa em gái không ít lần ấm ức vặn vẹo: "Sao chị cứ phải chịu lép vế thế? Trước khi lấy nhau chả lẽ anh chị không hiểu hết hoàn cảnh của nhau, không nhất trí về quan điểm sống? Mà một khi đã chấp nhận nhau thì phải vui vẻ với những gì đã có chứ, sao lại vin vào đó để phân biệt đối xử, làm khó cho nhau?". Đúng là tại chị, sống với nhau cảm thông, nhường nhịn nhưng cũng phải chia sẻ, chuyện trò để giải tỏa những khúc mắc. Đằng này chị cứ một mình chịu cho qua chuyện, tưởng thế sẽ yên ấm, thuận hòa. Mà thói đời trước nay vẫn vậy, được một lần là lần sau cứ lấn tới, thành thói quen, thành ra chuyện bình thường. Đúng là tại chị, lẽ ra nên thẳng thắn, minh bạch ngay từ đầu với cả gia đình nhà chồng về bản thân mình. Như thế thì con bé Hằng sẽ đàng hoàng ở bên chị, đàng hoàng làm một thành viên trong gia đình, chứ không phải bơ vơ mỗi lần mẹ về nội. Tại cả cái mặc cảm "mình đã một lần đò" luôn thường trực trong chính bản thân chị…

Đứa em chị nói đúng: "Con giun xéo mãi cũng oằn, không giải tỏa, chịu đựng mãi sao được. Đến một ngày giọt nước tràn ly thì thành đổ vỡ không còn có thể hàn gắn". Nhưng giải tỏa bằng cách nào đây, phản ứng lại hay cứ làm theo những điều mình cho là đúng? Có lẽ hơn cả là một cuộc trò chuyện thẳng thắn để vợ chồng hiểu nhau hơn, để cùng san sẻ gánh nặng áo cơm và tâm tư cuộc sống và biết đâu để rồi sẽ thương nhau hơn.