Cảm hứng nhân đạo trong “Tiếng vọng từ những linh hồn”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tiếng vọng từ những linh hồn” là tập phóng sự đặc sắc nhà báo Hoàng Anh Sướng, do NXB Hội Nhà Văn ấn hành tháng 8/2015, do nhà văn Tạ Duy Anh biên tập, nhà văn Sương Nguyệt Minh và nhà thơ Trần Đăng Khoa viết lời tựa.

 
“Tiếng vọng từ những linh hồn”
Buổi giao lưu ra mắt sách “Tiếng vọng từ những linh hồn”.
Đã từ lâu, cái tên Hoàng Anh Sướng không còn xa lạ với độc giả cả nước, đặc biệt là trong đề tài về hậu chiến, tìm mộ liệt sĩ vất vả gian lao nhưng cũng đầy trách nhiệm, tình thương yêu. Tập phóng sự “Tiếng vọng từ những linh hồn” là  kết quả lao động “đổ mồ hôi sôi nước mắt” đầy sáng tạo suốt 10 năm trời đằng đẵng của Hoàng Anh Sướng đi theo các cuộc hành trình lên rừng xuống biển tìm mộ liệt sĩ.  

Nhà báo Hoàng Anh Sướng đến với báo chí từ những chuyến đi phiêu lưu đầu tiên viết về sự kì bí của “Bùa ngải xứ Mường”, rồi rẽ sang đề tài hậu chiến tìm kiếm mộ liệt sĩ sau chiến tranh. Tác giả chia sẻ: “Lúc mới đầu, tôi chỉ thấy tìm mộ liệt sĩ là một đề tài hay và tò mò. Nhưng sau khi chứng kiến những cuộc tìm kiếm vất vả gian khổ, những nỗi đau đáu khắc khoải đoàn tụ, muốn đưa được nắm xương cái tóc người thân về quê hương, tôi quá xúc động. Một người sinh ra sau chiến tranh như tôi, sau các chuyến đi, chứng kiến nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con mới thấy cái giá phải trả cho chiến tranh quá đắt. Từ sự tò mò, tôi phát một tâm nguyện là đi đến tận cùng các cuộc hành trình này. Một mặt để tiếp tục giúp đỡ các gia đình tìm hài cốt thân nhân, mặt khác là để ghi chép, giúp các bạn trẻ hiểu được cái giá của hòa bình, biết trân trọng hạnh phúc hôm nay ”. Từ viết để thỏa mãn sở thích khám phá của bản thân cho đến viết để đánh thức lòng nhân ái của cả cộng đồng, không chỉ là tâm thức người làm báo mà còn là trách nhiệm người cầm bút Hoàng Anh Sướng. 

Các câu chuyện trong tập phóng sự “Tiếng vọng từ những linh hồn” đều là các tác phẩm đã được đăng trên báo “Tuổi trẻ & Đời sống”. Vẫn là các câu chuyện vừa huyền bí vừa chân thực về những người đã khuất chưa tìm được mộ như nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến, lãnh tụ khởi nghĩa nông dân Hoàng Công Chất cho tới hơn 4000 liệt sĩ chưa biết tên nằm lại trên đồi núi, trảng cát quanh nhà tù Phú Quốc đầy cảm động. Nói về giá trị tập phóng sự “Tiếng gọi từ những linh hồn”, nhà thơ Trần Đăng Khoa quả quyết: “… đây là những trang sử sống động của một phần lịch sử đất nước. Nếu những trang sử hào hùng của dân tộc cũng được viết với ngòi bút đầy ma lực như thế này thì chằng bao giờ học trò chán ghét môn sử và quay lưng lại với ông cha”.
“Tiếng vọng từ những linh hồn”
Bìa sách “Tiếng vọng từ những linh hồn”.
Ngòi bút phóng sự nhân ái của Hoàng Anh Sướng không chỉ miêu tả các cuộc tìm kiếm mộ liệt sĩ mà còn mở rộng biên độ hiện thực làm cho tác phẩm vạm vỡ và hấp dẫn, sinh động. Chẳng hạn, anh dựng chân dung, số phận thượng úy – cựu chiến Vũ Thị Minh Nghĩa gầy gò khắc khổ với tư cách là nhân vật văn học đồng thời với hành trình gian khó, một mình lặn lội trở về chiến trường xưa nơi rừng xanh núi đỏ, bền bỉ đi tìm mộ liệt sĩ trong tâm thức nghĩa tình và niềm tin yêu đồng đội. Tương tự, anh dựng thân thế sự nghiệp anh hùng khởi nghĩa nông dân Hoàng Công Chất và nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến rất sâu sắc, thần tình; sau đó mới miêu tả kỳ công kỳ bí hành trình đi tìm và tìm được mộ các bậc kỳ nhân đáng kính ấy. 

Là phóng sự xã hội, nhưng mỗi câu chữ trong “Tiếng gọi từ những linh hồn” đều thấm đẫm chất văn. Thông điệp về lòng nhân ái, nhân đạo, đạo nghĩa với các chiến sĩ đã mất vì độc lập tự do tổ quốc trong cuốn sách cũng không theo lối mòn cứng ngắc, khô khan như các bài thông tấn thông thường, mà khéo léo ẩn giấu trong hình tượng nhân vật đặt vào không gian và sự việc, sự kiện. Từ cái cách tác giả mô tả hành trình đi tìm mộ đồng đội của cựu chiến binh Vũ Thị Minh Nghĩa suốt 13 năm trời, thì cũng đồng thời cảm nhận được nỗi da diết, sự nặng lòng với quá khứ, nỗi đau chiến tranh dai dẳng. Và nếu đọc kĩ các trang viết về nhà tù Phú Quốc, độc giả hoàn toàn có thể mường tượng một cách chi tiết cõi địa ngục trần gian, cũng như nỗi xót xa thương cảm các liệt sĩ đã nhiều năm âm thầm dưới lòng đất bụi. Sự biến hóa, uyển chuyển lạ thường trên từng trang viết của tác giả được nhà văn Sương Nguyệt Minh đọc vị: “Tác phẩm được viết bởi một bút pháp trầm tĩnh, sâu lắng gợi cho người đọc nhiều ngẫm nghĩ. Điều đặc biệt là cái chất phóng sự - nó là thể loại chủ đạo của báo viết, thì dưới ngòi bút Hoàng Anh Sướng lại trở nên có hồn văn Việt”.

Tập phóng sự xã hội “Tiếng vọng tự những linh hồn” được “ra đời từ sự thôi thúc của bạn đọc…” như chia sẻ của tác giả. Có thể thấy sau tác phẩm “Hạnh phúc đích thực” - cuộc đối thoại về đi tìm hạnh phúc với đại thiền sư Thích Nhất Hạnh, là “Tiếng vọng từ những linh hồn”, tác giả Hoàng Anh Sướng với cảm hứng nhân đạo nhân ái đã khẳng định  được vị thế người viết và sự tin yêu trong lòng độc giả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần