Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Cấm là đúng!

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa thông qua đã chính thức cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ".

Đây vốn là vấn đề được dư luận rất quan tâm và gây nhiều tranh luận với những quan điểm khác nhau về việc có nên cấm hay siết chặt quản lý ngay từ khi Dự Luật được trình. Nhưng nhìn từ thực tế cũng như một số ý kiến đã phân tích, đóng góp của ngành, nghề này không tương xứng với tác động tiêu cực đối với xã hội cũng như nguồn lực phải bỏ ra để khắc phục và trấn áp, xử lý hậu quả tội phạm, việc cấm là cần thiết.
Để có quyết định cuối cùng cho điều khoản này, sau rất nhiều phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các ĐB Quốc hội. Và đa số ý kiến đồng ý với phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Biểu quyết riêng về vấn đề này, đa số ý kiến ĐB cũng đồng tình với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Điều đó cho thấy sự cân nhắc rất kỹ của Quốc hội.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, thực tế có trên 200 DN đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ này tại, tập trung nhiều ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, quá trình kinh doanh, nhiều DN đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như quy định của pháp luật có liên quan khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ, dẫn đến phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội. Nhiều nơi còn xuất hiện biến tướng hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”…
Thực tế cho thấy, hoạt động đòi nợ thuê đang biến tướng với các kiểu cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi. Cũng bởi có liên hệ với cho vay nặng lãi, là kinh doanh bạo lực, là sự "nhờ vả" bạo lực để đòi nợ, nên dẫn đến không ít những vụ việc gây ồn ào dư luận thời gian qua. Để đòi tiền, các tổ chức kinh doanh đòi nợ thậm chí không từ thủ đoạn khủng bố tinh thần người nợ cũng như người nhà, thậm chí người quen, bạn bè của người nợ cũng bị gọi điện thoại ngày đêm kèm những lời đe nẹt, chửi bới. Có thể không phải tất cả, nhưng kể cả các công ty kinh doanh đòi nợ được cấp phép cũng đang có biến tướng, gây bất an cho xã hội. Bởi vậy, việc đưa ra quy định cấm được nhiều ý kiến đồng tình.
Tuy nhiên, đúng như nhiều ý kiến phân tích, không chỉ đơn giản cấm là có thể giải quyết được những tồn tại, bất cập của hoạt động đòi nợ trong thời gian qua. Bởi trong hoạt động dân sự kinh doanh phát sinh nợ nần, thậm chí rủi ro và nợ quá hạn khó đòi, không đòi được là bình thường. Nếu không muốn nói đây là tất yếu trong xã hội. Và khi thực tế xã hội phát sinh nhu cầu đòi nợ thuê, có cầu ắt có cung, khi Luật cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, liệu trong xã hội có xuất hiện hoạt động lén lút, trá hình, dịch vụ “chui”, khó quản lý cũng là vấn đề cần lưu ý.
Do đó, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một việc cần thiết để tránh những biến tướng, nhưng đồng thời cũng để tránh những biến tướng tiếp theo từ việc cấm này, hy vọng các cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp hữu hiệu tiếp theo để quản lý triệt để. Đồng thời, có quy định chặt chẽ hơn, ràng buộc hơn, quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc kiểm soát vấn đề này.
Cùng với đó, để hướng đến phương thức đòi nợ văn minh hơn thông qua tòa án, trọng tài kinh tế, lập dự phòng mua bán nợ… như phát luật đang quy định, cũng cần nâng cao hiệu quả của các cách thức xử lý nợ này. Trong đó, có cả việc giảm thủ tục hành chính, tránh những rườm rà không cần thiết, để nâng hiệu quả xử lý. Có lẽ, khi giải quyết tốt các nhu cầu của thực tiễn, quy định cấm mới thực sự phát huy tác dụng.