Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấm lao động Việt làm nghề massage ở nước ngoài?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Massage là một trong tám nghề bị Bộ LĐTB&XH đưa vào danh mục cấm khi xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong khi nhiều người đồng tình với đề xuất này thì lại có những ý kiến kịch liệt phản đối.

Người lao động ứng tuyển tại điểm giao dịch việc làm vệ tinh huyện Quốc Oai. Ảnh: Thủy Trúc
Chỉ nên khuyến cáo người lao động?

Những nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không phù hợp với thể trạng của người Việt Nam; hay các công việc ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam như massage tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí đều bị Bộ LĐTB&XH cấm người lao động (NLĐ) không được phép làm việc ở nước ngoài.
Cần đưa ra lý do thuyết phục

Massage là nghề vật lý trị liệu giúp cải thiện sức khỏe cho con người. Vì thế massage không xấu, chỉ có điều khi tổ chức hoạt động thì phải có cách quản lý để công việc này thực sự lành mạnh, không bị biến báo đi. Khi nói đến cấm hoạt động mại dâm thì tôi còn thấy có lý. Đằng này nếu không cho phép hành nghề massage, Bộ LĐTB&XH phải nghiên cứu lại, cái gì không quản được thì cấm là không nên.

Về đề xuất cấm người lao động ra nước ngoài làm nghề massage, có hai vấn đề. Thứ nhất, ở trong nước không cấm hoạt động massage, vậy tại sao nước ngoài họ tuyển, Bộ lại không cho phép người lao động đi làm? Thứ hai, khi người lao động đăng ký đi nước ngoài làm một nghề, nhưng sang bên đó họ lại đi học và hành nghề massage thì lúc đó Bộ sẽ xử lý ra sao? Vì thế, trước khi có quy định, Bộ cần nghiên cứu kỹ Hiến pháp và các bộ luật có liên quan xem việc cấm là đúng hay sai. Trong trường hợp pháp luật chưa cấm mà Bộ không cho phép người lao động làm nghề này thì phải đưa ra lý do thuyết phục hơn.

Đại biểu Quốc hội Khóa VIII Bùi Thị An
Tuy nhiên, lại có những quan điểm không đồng tình vì cho rằng khi công dân có quyền tự do đi lại đồng nghĩa với được làm những việc mà nước bên kia không cấm. “Việc Bộ LĐTB&XH không cho NLĐ đi làm công việc không vi phạm pháp luật ở nước ngoài là vô lý. Hơn nữa, massage có gì sai? Chúng ta cứ đánh đồng cho rằng massage là nghề nhạy cảm, không quản lý được nên cấm. Ở nước ngoài quy định mọi công việc khá rõ ràng. Người massage để chăm sóc sức khỏe cho khách hàng thì được phép hành nghề. Nếu trưng biển massage nhưng lại làm công việc khác, đó là vi phạm pháp luật và bị phạt nặng” - TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội phản bác.

Thực tế, hiện nay ở trong nước, có nhiều trung tâm chăm sóc vật lý trị liệu kết hợp massage được khách hàng nhận xét lành mạnh và có tác dụng trong hồi phục sức khỏe. Vì thế, có những ý kiến cho rằng, khi các cơ quan chức năng không quản lý được biến tướng của hoạt động massage mà cấm luôn công việc này thì đã chặn đứng khả năng của những NLĐ có thế mạnh. Và, khi NLĐ có mong muốn đi xuất khẩu làm công việc này nhưng Bộ LĐTB&XH lại cấm đó là điều bất cập. Trong trường hợp này, TS Khuất Thu Hồng đề nghị Bộ LĐTB&XH cân nhắc trước khi có quyết định chính thức. Nên chăng, Bộ LĐTB&XH cảnh báo cho NLĐ tìm hiểu luật pháp ở quốc gia - nơi sẽ đến làm việc - những ngành nghề/công việc được và không được phép làm cùng nguy cơ có thể xảy ra để họ tự quyết định. Khi Bộ đã khuyến cáo, trường hợp NLĐ ra nước ngoài làm nghề massage mà vi phạm quy định của nước sở tại thì sẽ bị xử phạt theo quy định.

Không được phép làm nghề dù đối tác không cấm

Hiện nay, mỗi quốc gia lại có quan điểm khác nhau về lĩnh vực massage. Cũng như, trong khi nhiều nước Á Đông không đồng tình với mại dâm thì ở châu Âu hay các nước như Thái, Singapore coi đó là nghề được hoạt động công khai trong những điều kiện nhất định. “Không có lý do gì nghề massage không được khuyến khích phát triển ở trong nước mà Bộ LĐTB&XH lại cho NLĐ ra nước ngoài làm việc, cho dù bên họ không cấm. Thứ nữa, khi lao động nữ ra nước ngoài làm massage không có sự quản lý; hình ảnh sẽ bị méo mó, ảnh hưởng đến uy tín, dân tộc Việt Nam” – ông Dương Văn Sao – nguyên Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn Việt Nam nêu quan điểm cá nhân. Cùng chung ý kiến này, Phó Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Lê Đình Quảng băn khoăn về mức độ lành mạnh của massage và nhấn mạnh đến yếu tố: “Bây giờ không phải đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) để xóa đói giảm nghèo. Việc làm không còn là vấn đề quá bức xúc mà Việt Nam phải đưa lao động đi xuất khẩu bằng mọi giá. Vì thế, Bộ LĐTB&XH đề xuất cấm đưa NLĐ ra nước ngoài làm massage là có lý”.

Nhiều năm làm quản lý trong lĩnh vực XKLĐ, nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH Đào Công Hải thông tin về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định rõ cách thức, đối tượng được đi XKLĐ, quản lý nhà nước ở T.Ư và địa phương... Đặc biệt là danh sách 21 ngành nghề cấm NLĐ không được làm việc ở nước ngoài như massage, thiêu xác chết, bốc mồ mả, tiếp xúc với hóa chất, nguồn phóng xạ hở… “Dù rằng nước tiếp nhận không cấm lao động làm nghề massage nhưng Việt Nam – nước phái cử cấm thì NLĐ cũng không được phép làm” – ông Hải nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, hiện nay, có 4 phương thức chính thống để đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc, bao gồm các công ty có giấy phép XKLĐ. Công ty của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài được phép mang lao động đi theo. Công ty nước ngoài liên doanh với DN trong nước thì DN đó có quyền đưa lao động sang làm việc. Cá nhân NLĐ ký kết hợp đồng với chủ người nước ngoài thì phải đăng ký tại Sở LĐTB&XH – nơi mình cư trú. Trường hợp NLĐ đi không đúng theo bốn phương thức trên mà cố tình ra nước ngoài làm việc thì bị coi là bất hợp pháp. Điều này dẫn đến hệ lụy, nếu có chuyện gì xảy ra thì các cơ quan chức năng về lao động ở trong nước không thể bảo vệ được quyền lợi cho NLĐ.
Nếu không cân nhắc kỹ sẽ tạo ra xung đột

Trong điều kiện Việt Nam vẫn còn dư thừa nguồn nhân lực thì xuất khẩu lao động là hướng quan trọng để giải quyết việc làm có thu nhập cao hơn trong nước. Về nguyên tắc, những ngành nghề mà pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động không cấm thì không có lý do gì văn bản dưới luật lại quy định cấm. Xét trường hợp cụ thể, nghề massage để chăm sóc sức khỏe đang có xu hướng phát triển ở các nước và họ lại thiếu lao động làm công việc này. Trong khi pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động không cấm làm nghề massage thì dự thảo nghị định mới mà Bộ LĐTB&XH không nên đưa vào danh mục cấm.

Nếu quy định cấm người lao động ra nước ngoài làm massage sẽ trái với pháp luật Việt Nam mà còn tạo ra xung đột, không tương thích với luật của các nước tiếp nhận lao động. Không những thế, đó còn là can thiệp hành chính vào thị trường lao động quốc tế trong hội nhập và làm mất đi cơ hội việc làm của người lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, massage tại các nhà hàng, khách sạn, trung tâm vui chơi giải trí là hoạt động kinh doanh có điều kiện nên Nghị định cần quy định những điều kiện chặt chẽ để DN đưa NLĐ đi thực hiện đúng, nhằm phòng ngừa tiêu cực, biến tướng có thể xảy ra. Bộ LĐTB&XH cũng có thể quy định việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài làm massage tại các nhà hàng, khách sạn, trung tâm vui chơi giải trí là nghề chưa được khuyến khích để có tính hướng dẫn thì mềm hơn.

TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội