Lãi suất đặc biệt cao nhất 7-9,5%
Thời gian qua, các ngân hàng đã tăng cường cạnh tranh thu hút tiền gửi không chỉ bằng lãi suất mà còn bằng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Theo Thông tư 48/2024/TT-NHNN của NHNN, từ ngày 20/11/2024, cấm các ngân hàng thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật. Điều này nhằm ngăn chặn các ngân hàng cạnh tranh không lành mạnh hay tìm cách lách trần lãi suất.
Thông tư quy định, TCTD áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức và cá nhân không vượt quá mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ và đối với từng loại hình TCTD.
Hiện nay, NHNN quy định mức trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (tài khoản thanh toán) là 0,5%/năm, có kỳ hạn dưới 6 tháng là 4,75%/năm.
Như vậy, cần hiểu đúng là NHNN đang nghiêm cấm các trường hợp thực hiện khuyến mãi mà giá trị quà khuyến mãi khi cộng vào lãi suất áp dụng sẽ vượt mức trần lãi suất theo quy định. Nhà điều hành chỉ quy định trần lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng đối với kỳ hạn dưới sáu tháng, còn từ 6 tháng trở lên thì cho phép các TCTD chủ động xác định lãi suất tiền gửi theo cung cầu thị trường.
Do vậy, hoạt động huy động vốn của các ngân hàng hoàn toàn không bị ảnh hưởng.
Từ đầu tháng 11 đến nay, đã có 14 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Ngoài các hình thức khuyến mãi thì các ngân hàng đã tăng cả lãi suất kỳ hạn dài. Lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã tăng vọt lên 7-9,5%/năm, nhưng thường kèm theo các điều kiện đặc biệt. PVcomBank hiện dẫn đầu với mức lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng, áp dụng cho khách hàng gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng tại quầy. HDBank theo sau với lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, yêu cầu số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.
MSB cũng không kém cạnh khi áp dụng mức 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với điều kiện sổ tiết kiệm mở mới hoặc được tự động gia hạn từ năm 2018 trở đi, cùng số tiền gửi từ 500 tỷ đồng. Trong khi đó, Dong A Bank đưa ra mức lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng.
Ngoài các mức lãi suất đặc biệt, một số ngân hàng cũng duy trì lãi suất trên 6%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên mà không yêu cầu số tiền gửi lớn. Ví dụ, Cake by VPBank và OceanBank áp dụng lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn 12-24 tháng, ABBank và IVB đạt 6,3%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Nam A Bank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy tăng thêm 0,2% lên 6%/năm đối với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng.
Ngoài ra, một loạt ngân hàng khác như VietABank, SaigonBank và BaoVietBank cũng niêm yết mức lãi suất 6%/năm cho các kỳ hạn từ 15 tháng đến 36 tháng, tạo nên sự cạnh tranh đáng kể trên thị trường huy động vốn.
Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã lên tới 5,95%/năm, kỳ hạn 13 tháng vượt 6%/năm. Mức lãi suất huy động trên 6%/năm với kỳ hạn dài đã xuất hiện tại nhiều ngân hàng.
Trước thông tin NHNN cấm khuyến mãi “vượt trần”, nhiều người đã tính chuyển sang gửi tiết kiệm kỳ hạn dài. Chị Nguyễn Thuỳ Trang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, vừa tất toán sổ tiết kiệm 400 triệu đồng để chuyển sang gửi kỳ hạn 12 tháng thay vì 6 tháng như trước, với mức lãi suất 5,9%/năm nhờ được cộng thêm 0,5% cho khoản tiền gửi trên 300 triệu.
Trong khi đó, ông Trần Thắng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) dự định sẽ gửi dài hạn vào dịp gần Tết khi lãi suất thường cao hơn. Ông cũng chuyển sang ngân hàng khác vì được tặng bình ô, voucher giảm giá trực tiếp khi mua hàng và được mã dự thưởng có cơ hội trúng sổ tiết kiệm 300 triệu đồng khi tham gia quay số…
Lãi suất cho vay cần duy trì ổn định
Lý do các ngân hàng tăng lãi suất huy động là để chuẩn bị nguồn vốn cho thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm.
Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 10 vừa qua đã đạt hơn 10% so với cuối năm ngoái, tăng cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn. Theo NHNN, tín dụng tăng mạnh vào cuối năm, ước đạt 15% cả năm. Như vậy, trong 2 tháng cuối năm, tín dụng tăng khoảng 2%/tháng, đồng nghĩa hơn nửa triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế.
Mặc dù tiền gửi vào ngân hàng tăng kỷ lục, nhưng trong bối cảnh kinh tế phục hồi, nhu cầu vốn để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vào cuối năm tăng cao khiến thanh khoản ngân hàng không còn dồi dào. Do đó, “để đảm bảo dòng vốn cho các hoạt động cho vay và duy trì tính ổn định cho hệ thống tài chính, các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh huy động vốn bằng cách “mạnh tay” nâng lãi suất huy động”- TS Lê Xuân Nghĩa nhận định. Ngoài nhu cầu tăng trưởng tín dụng, theo ông Nghĩa lãi suất huy động tăng cũng là cách để ngân hàng cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.
Các chuyên gia MBS dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản.
Dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo, khi phải đua lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài, rủi ro lãi suất mà các ngân hàng đối mặt cũng lớn hơn một khi lãi suất sớm quay đầu đi xuống trở lại. Đây là thực tế đã xảy ra trong năm 2023, khi nhiều ngân hàng chứng kiến thiệt hại nặng nề vì đã lỡ huy động vào một lượng tiền gửi kỳ hạn dài tại vùng lãi suất cao trước đó. Ngược lại, nếu không bị ràng buộc bởi trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, các cuộc đua lãi suất lẽ ra đã tập trung ở các kỳ hạn ngắn để bù đắp thiếu hụt thanh khoản tạm thời, theo đó rủi ro lãi suất cũng sẽ giảm đi.
Với lãi suất cho vay, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) nhận định, lãi suất cho vay sẽ khó sớm tăng trở lại trong thời gian từ nay đến cuối năm, nhất là đối với lãi suất cho vay doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong xu hướng lãi suất tiền gửi tăng tiếp trong năm 2025, thì lãi suất đầu ra khó giữ nguyên, song sẽ có độ trễ và chưa thể sớm tăng trở lại.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện nhiều giải pháp tích cực như tiết giảm chi phí, rà soát và miễn giảm các loại phí không cần thiết. Bên cạnh đó, các ngân hàng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục cho vay và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cho vay nhằm góp phần giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay ngân hàng.