Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cam rớt giá ngay từ đầu vụ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuy mới bước vào đầu vụ thu hoạch cam ở các tỉnh, thành phía Bắc nhưng giá bán loại trái cây này đã khá rẻ. Hiện, giá cam trên thị trường đang dao động quanh mức 10.000 – 20.000 đồng/kg, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Ảnh minh họa
Khoảng nửa tháng nay, khắp các tuyến phố, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, cam đã được bày bán la liệt với đa dạng các giống cam như Cao Phong, cam Vinh, cam Xoàn, cam ngọt Hưng Yên… Giá bán các loại cam này đều chỉ quanh ngưỡng 10.000 – 20.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Tuyến, một tiểu thương chuyên thu mua cam ở Bắc Giang đổ buôn ở Hà Nội cho biết, năm nay giá cam Vinh trồng tại Bắc Giang thấp hơn so với vụ trước khoảng 5.000 đồng/kg. Tuy không được mùa như năm trước nhưng diện tích trồng cam tại các địa phương đều tăng mạnh, do vậy sản lượng cung cấp ra thị trường tương đối lớn. Hiện, trung bình mỗi ngày chị Tuyến đổ buôn cho các mối bán lẻ khoảng 2 tấn cam với giá 10.000 đồng/kg.
Do là hoa quả đầu vụ và giá cả phải chăng nên hàng lấy đến đâu được bán hết đến đấy. Anh Nguyễn Văn Thế, người chuyên bán hoa quả trên đường Lê Văn Lương chia sẻ, hơn 1 tuần nay anh đã về Hưng Yên mua cam ngọt ra bán ở Hà Nội. Loại cam này hiện đang được bán với giá 20.000 đồng/kg, so với vụ trước giảm 5.000 đồng/kg.
Vài năm gần đây, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương đã phát triển ồ ạt các loại cây trồng có múi như bưởi, cam, chanh… Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, năm 2018, diện tích cây cam tăng 9,1%, bưởi tăng 12,2%... Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2019, sản lượng cam đạt 472.800 tấn, tăng 10,4%. Theo dự đoán của các tiểu thương, khi vào chính vụ, giá cam còn rẻ hơn nữa. Bởi thời điểm này cũng trùng với vụ thu hoạch của bưởi và sắp tới là cam Canh. Mặt khác, thị trường tiêu thụ chính của cam ở các tỉnh phía Bắc vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trong khi đó, phía Trung Quốc đã siết chặt nhập khẩu qua tiểu ngạch, do đó sản lượng hoa quả xuất khẩu vào vào thị trường này sẽ giảm đáng kể.
Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo các địa phương cần có quy hoạch để ổn định diện tích cây ăn quả có múi và gắn với liên kết trong sản xuất. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến khâu chế biến, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.