Cấm sử dụng điện thoại trong trường học tại TP Hồ Chí Minh: nhiều phụ huynh đồng tình
Kinhtedothi - Trước thông tin, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh sẽ ban hành quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong khuôn viên trường học, bao gồm cả giờ ra chơi, việc này đang nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ từ phần lớn phụ huynh.

Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học để lại nhiều hệ lụy. Ảnh: minh họa
Việc học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học là một vấn đề đang gây nhiều tranh luận trong xã hội hiện nay. Bên cạnh một số lợi ích như hỗ trợ học tập, tra cứu thông tin nhanh chóng, liên lạc khi cần thiết, việc sử dụng điện thoại di động không kiểm soát trong môi trường học đường cũng dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Nhiều hệ lụy có thể xảy ra
Ảnh hưởng đến chất lượng học tập, học sinh có xu hướng sử dụng điện thoại trong giờ học để nhắn tin, chơi game, lướt mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram... Điều này gây mất tập trung, làm giảm khả năng tiếp thu bài giảng, từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập. Thậm chí, nhiều em còn lệ thuộc vào điện thoại, thiếu kỹ năng ghi nhớ, suy luận vì chỉ dựa vào công cụ để tra cứu.
Gia tăng các hành vi tiêu cực và lệch chuẩn, nội dung trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng phù hợp với lứa tuổi học sinh. Việc tiếp xúc sớm và thường xuyên với các video bạo lực, khiêu dâm, hoặc các trào lưu độc hại có thể dẫn đến hành vi lệch chuẩn, học theo những thói xấu hoặc suy nghĩ lệch lạc. Một số học sinh còn bị lôi kéo tham gia các hành vi vi phạm pháp luật qua mạng như đánh bạc, cá độ, mua bán hàng cấm…
Dễ xảy ra bạo lực học đường trên không gian mạng, mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin có thể trở thành công cụ để học sinh bắt nạt nhau, tung tin đồn, chế giễu bạn bè bằng hình ảnh, video đã quay trộm. Nhiều trường hợp bạo lực mạng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của học sinh, thậm chí dẫn đến trầm cảm hoặc hành vi tự tử.
Mất an toàn và riêng tư cá nhân, việc quay phim, chụp ảnh trong trường học có thể bị sử dụng sai mục đích như đăng tải hình ảnh bạn bè hoặc thầy cô lên mạng mà không có sự đồng ý, gây tổn hại đến danh dự và uy tín của người khác. Ngoài ra, nếu bị mất điện thoại hoặc bị tấn công mạng, các thông tin cá nhân của học sinh có thể bị đánh cắp và sử dụng trái phép.
Gây nghiện điện thoại và ảnh hưởng sức khỏe, học sinh dùng điện thoại liên tục có nguy cơ bị nghiện, không kiểm soát được thời gian sử dụng. Điều này dẫn đến thiếu ngủ, giảm khả năng tập trung, mệt mỏi kéo dài, ảnh hưởng đến thị lực và hệ thần kinh. Về lâu dài, nghiện điện thoại còn gây tác động tiêu cực đến phát triển tâm lý và các mối quan hệ xã hội trực tiếp.
Gây khó khăn trong công tác quản lý của nhà trường, việc giám sát và kiểm soát học sinh sử dụng điện thoại trong trường học là một thách thức lớn đối với giáo viên và ban giám hiệu. Nếu không có quy định rõ ràng và biện pháp quản lý hiệu quả, dễ dẫn đến tình trạng học sinh vi phạm nội quy, thiếu kỷ luật, thậm chí phát sinh mâu thuẫn giữa giáo viên và học sinh.
Nhiều phụ huynh dồng tình ủng hộ
Trong cuộc tranh luận về việc cấm này, tiếng nói của phụ huynh đóng vai trò then chốt, một bộ phận lớn phụ huynh đã bày tỏ sự đồng thuận mạnh mẽ, với những lý do rất rõ ràng và thiết thực.
Bà Nguyễn Thị Lan (phường Tân Hưng), có con đang học cấp 2, chia sẻ: "Tôi rất mừng khi nghe tin này. Thời gian sử dụng điện thoại nhiều khiến việc học của con bị ảnh hưởng. Gia đình có nhắc nhở nhưng chưa hiệu quả. Giờ nhà trường cấm, tôi tin con sẽ tập trung hơn vào việc học và quan trọng là tránh xa được những thứ vô bổ trên mạng. An toàn của con, tương lai của con là điều tôi lo lắng nhất".
Nhiều phụ huynh khác cũng đồng tình rằng, việc cấm điện thoại sẽ giúp con em họ tăng cường tập trung học tập: khi không có điện thoại bên cạnh, học sinh sẽ ít bị xao nhãng bởi thông báo, tin nhắn hay các trò chơi. Toàn bộ năng lượng và sự chú ý sẽ được dành cho bài giảng và các hoạt động học tập trên lớp.
Mạng xã hội và internet là "con dao hai lưỡi". Việc cấm điện thoại trong trường giúp hạn chế tối đa việc học sinh tiếp xúc với các nội dung độc hại, bạo lực mạng, hoặc nguy cơ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Đây là một "lá chắn" bảo vệ trẻ mà nhiều phụ huynh mong muốn.
Giờ ra chơi không còn là cảnh "mỗi người một màn hình" mà thay vào đó là những cuộc trò chuyện, những trò chơi vận động, những hoạt động tập thể. Điều này giúp học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và xây dựng các mối quan hệ bạn bè bền chặt hơn. Ông Lê Minh Tuấn (phường Vườn Lài), có con học cấp 3, bày tỏ: "Tôi muốn con mình có những kỷ niệm tuổi học trò đúng nghĩa, với bạn bè, với thầy cô, chứ không phải chỉ là những tương tác ảo trên mạng xã hội".
Mặc dù có sự đồng thuận cao, một số phụ huynh vẫn bày tỏ nỗi lo về vấn đề liên lạc khẩn cấp. Trong một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, việc học sinh di chuyển độc lập đến trường, hoặc những tình huống đột xuất như ốm, tai nạn, sự cố xảy ra trên đường là điều khó tránh khỏi. Điện thoại, trong trường hợp này, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ liên lạc.
Tuy nhiên, đối với phần lớn phụ huynh ủng hộ lệnh cấm, họ tin rằng những lợi ích mà lệnh cấm mang lại lớn hơn nỗi lo này và hoàn toàn có thể có những phương án thay thế. Nhiều người đề xuất nhà trường cần thiết lập các kênh liên lạc khẩn cấp hiệu quả, ví dụ như đường dây nóng trực ban, số điện thoại cố định của văn phòng trường, hoặc các điểm liên lạc được chỉ định để phụ huynh có thể liên hệ với con em mình khi cần thiết. "Nếu nhà trường có số điện thoại cố định để phụ huynh gọi vào khi cần thì tôi thấy yên tâm hơn nhiều" - một phụ huynh giấu tên chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh nhận định: "Việc cấm điện thoại có thể giải quyết được vấn đề mất tập trung trước mắt, nhưng không giải quyết được gốc rễ của vấn đề: đó là việc học sinh chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng để sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm. Trong một thế giới ngày càng số hóa, việc tước đi công cụ này hoàn toàn có thể khiến các em bị thụt lùi về kỹ năng số, vốn rất cần thiết cho tương lai".
"Do đó, bên cạnh sự đồng thuận của phụ huynh, các nhà hoạch định chính sách cần xem xét một cách tiếp cận toàn diện hơn, không chỉ dừng lại ở việc cấm đoán mà còn lồng ghép giáo dục kỹ năng số vào chương trình học. Điều này bao gồm việc dạy học sinh về an toàn mạng, đạo đức sử dụng công nghệ và cách biến điện thoại thành công cụ hỗ trợ học tập hiệu quả thay vì nguồn gây xao nhãng"- Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh thêm.

Hà Nội: 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi môn Ngoại ngữ
Kinhtedothi – Trong buổi thi môn Ngoại ngữ chiều nay (7/6), tại 201 điểm thi lớp 10 có 1 thí sinh vi phạm quy chế do mang điện thoại di động vào phòng thi.
Linh hoạt trong việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại ở trường
Kinhtedothi - Việc học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong trường học đang gây ra nhiều lo ngại đến việc học tập và phát triển của học sinh. Vì vậy, nhiều trường học tại TP Hồ Chí Minh đã áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường.

Học sinh có nên sử dụng điện thoại khi đến trường?
Kinhtedothi - Quy định “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp” đã được Bộ GD&ĐT áp dụng 4 năm, nhưng thực tế việc quản lý điện thoại của học sinh trong các nhà trường vẫn là một bài toán.