Cấm taxi trên 14 tuyến phố Hà Nội: Giải pháp tình thế

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến kiến nghị bỏ biển cấm taxi trên 14 tuyến đường phố của Thủ đô do Hiệp hội Taxi Hà Nội đề xuất, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho hay: “Cấm là việc cực chẳng đã và sẽ chỉ duy trì trong ngắn hạn”.

 Biển cấm xe taxi trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Phạm Hùng
Hạn chế ùn tắc
Mới đây, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có văn bản gửi UBND TP và Sở GTVT Hà Nội, đề xuất dỡ bỏ biển cấm taxi trên tất cả các tuyến đường phố hiện đang hạn chế loại hình này hoạt động. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng: “Taxi là một trong những loại hình vận tải công cộng, có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân Thủ đô. Do đó, việc cấm và hạn chế taxi hoạt động theo giờ trên một số tuyến phố hiện nay là không phù hợp, có thể gây khó cho người dân cũng như DN taxi truyền thống”.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết, hiện trên toàn địa bàn Thủ đô chỉ có 14 tuyến đường phố cấm taxi hoạt động. Trong đó, 2 tuyến cấm tuyệt đối theo 1 chiều, 12 tuyến còn lại chỉ cấm trong giờ cao điểm, từ 6 - 9 giờ sáng, và 16 giờ 30 phút - 19 giờ 30 phút chiều.
Ông Hà phân tích, một số tuyến hiện đang có công trình hạ tầng giao thông lớn, thi công dài ngày, khả năng lưu thông bị hạn chế, ví dụ như: Cát Linh (tuyến đường sắt đô thị số 3), An Dương (cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên). Tuyến Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ thì đang có tuyến xe buýt BRT vận hành trên làn đường riêng… “Tóm lại là cực chẳng đã mới phải cấm. Đây cũng là giải pháp tình thế cấm để hạn chế phương tiện qua những tuyến đường phố mà khả năng đáp ứng lưu thông không cao, cần giảm mật độ để giảm UTGT” - ông Hà khẳng định.

Vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin thêm: “Chúng tôi không mong muốn cấm taxi vào bất cứ tuyến phố nào và việc cấm, hạn chế theo giờ cũng chỉ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, biển cấm vẫn sẽ phải duy trì. Khi các công trình giao thông thi công xong hoặc có phương án tổ chức giao thông phù hợp chúng tôi sẽ dỡ bỏ các biển cấm ngay lập tức”.

Hoạt động của taxi lộn xộn phương thức hoạt động

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Hà nhìn nhận, một trong những nhược điểm lớn nhất của taxi truyền thống hiện nay là phương thức tiếp cận với khách hàng. Ông Hà phân tích, hiện hầu hết các hãng taxi truyền thống vẫn tiếp nhận yêu cầu của khách hàng qua điện thoại; rồi tổng đài báo cho các xe ở gần vị trí khách nhất đến đón. Dẫn đến tình trạng nhiều xe taxi cùng lao đến đón khách, một chuyến đi mà huy động nhiều xe cùng lúc làm gia tăng áp lực giao thông.
Bên cạnh đó, nhiều xe taxi, do không có điểm đỗ chờ, vẫn thường rà rê quanh các khu vực tập trung nhu cầu cao để tìm khách. Đặc biệt, nhiều xe taxi đang lưu thông giữa dòng phương tiện nhưng có khách vẫy là đột ngột giảm tốc độ, tấp vào đón, bất chấp gây ùn ứ, bức xúc và cả nguy hiểm cho người tham gia giao thông xung quanh.

Ông Vũ Hà cho biết, để khắc phục những nhược điểm này, giảm số lượng xe chạy rỗng trên đường, vừa góp phần hạn chế UTGT, vừa tiết kiệm chi phí cho DN, lái xe, rất cần phải ứng dụng công nghệ thông tin vào khâu gọi - đặt xe taxi. “Theo Đề án quản lý taxi trên địa bàn Thủ đô, chúng tôi đang xây dựng phần mềm ứng dụng gọi - đặt xe chung cho tất cả các hãng taxi trên địa bàn TP. Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ hạn chế tối đa những nhược điểm tồn tại của taxi truyền thống” - ông Hà thông tin.

Trao đổi thêm về đề xuất sơn biển kiểm soát màu vàng đồng bộ cho xe taxi cũng như tất cả các loại hình vận tải bằng ô tô khác, vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay, đó là một biện pháp rất hay. Ông Vũ Hà chia sẻ: “Sơn biển số như vậy sẽ giúp cho lực lượng chức năng dễ dàng nhận biết và kiểm tra, giám sát hoạt động của xe ô tô kinh doanh vận tải; đặc biệt đối với các loại xe hợp đồng 9, 10 chỗ trở xuống, hiện còn đang rất khó quản lý. Chúng tôi rất ủng hộ đề xuất này”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần