Cẩm tú phương hoa của Dương Tử thành "bom xịt": Tham vọng lớn, kịch bản yếu
Kinhtedothi - Sau nhiều tháng phát sóng, bộ phim Cẩm tú phương hoa – phần tiếp theo được kỳ vọng nối gót thành công vang dội của Quốc sắc phương hoa – đã khép lại với một cái kết đẹp cho cặp đôi chính.
Nhân vật Mẫu Đơn do Dương Tử thủ vai cũng đã đạt được ước nguyện của đời mình. Tuy nhiên, sau tất cả, điều đọng lại với khán giả không phải là sự thỏa mãn, mà là một cảm giác tiếc nuối cho một dự án lớn nhưng chưa đủ sức thuyết phục.
Cẩm tú phương hoa – Hào quang cũ, thất bại mới
Từ những tập đầu tiên, Cẩm tú phương hoa đã không giấu giếm tham vọng trở thành một tác phẩm cổ trang hội tụ đủ các yếu tố: giải trí đại chúng, thông điệp xã hội và chất lượng nghệ thuật. Phim lấy trung tâm là hành trình tự lập của người phụ nữ trong bối cảnh phong kiến, với nhân vật Hà Duy Phương là đại diện cho mẫu phụ nữ lý tưởng – kiên cường, thông minh, đặt đại nghĩa lên trên lợi ích cá nhân. Tình yêu của cô với Tưởng Trường Dương (do Lý Hiện đóng) được xây dựng như biểu tượng của những giá trị lý tưởng vượt thời đại.

Kịch bản của Cẩm tú phương hoa bị khán giả chê bai lan man Ảnh: NSX
Tuy nhiên, cũng chính tại điểm mạnh được kỳ vọng ấy, phim lại bộc lộ điểm yếu chí mạng. Quá chú trọng vào thông điệp xã hội, biên kịch của Cẩm tú phương hoa đã cố gắng lồng ghép quá nhiều tầng nội dung – từ thương nghiệp, chính trị, tình cảm cho tới mâu thuẫn gia tộc – chỉ trong 24 tập phim. Điều này dẫn đến tình trạng cốt truyện rối rắm, thiếu nhịp điệu và chiều sâu cảm xúc. Một số tình tiết then chốt bị xử lý vội vàng, khiến khán giả cảm thấy khiên cưỡng và khó đồng cảm.
Không chỉ vậy, nhân vật chính Hà Duy Phương được xây dựng quá hoàn hảo đến mức phi thực tế. Xuất thân từ gia đình thương nhân, gặp nhiều biến cố, ly hôn rồi phải tự thân bước ra xã hội, cô vẫn luôn giữ thái độ khoan dung, vị tha với cả người hãm hại mình. Cảnh tượng nữ chính che chắn cho bạn trong ngục tù, chịu trọng thương để cứu người khác được dựng lên đầy bi kịch, nhưng lại thiếu sự chân thực khiến người xem cảm thấy “hào quang nhân vật chính” quá lớn và xa rời thực tế.
Một điểm đáng tiếc khác là phần 2 hoàn toàn thiếu những cao trào thực sự. Trái với sự hấp dẫn của Quốc sắc phương hoa với nhịp phim đều đặn, tuyến nhân vật rõ nét, thì ở Cẩm tú phương hoa, các nhân vật phụ tăng lên đột biến nhưng không có vai trò cụ thể, tạo cảm giác lan man và thiếu trọng tâm. Khán giả có lý do để đặt câu hỏi: “Liệu bộ phim có thực sự cần thiết phải làm thêm phần 2?”
Theo số liệu từ Dữ liệu truyền hình Trung Quốc (CVB), rating của Cẩm tú phương hoa chỉ đạt 0.2%, một con số thấp đáng báo động đối với một bộ phim chiếu khung giờ vàng trên đài Hồ Nam – nơi vốn được xem là "thánh địa" của dòng phim cổ trang. Tổng lượt xem chỉ đạt 23 triệu, chiếm vỏn vẹn 11% thị phần phim chiếu mạng. Đây có thể là tác phẩm cổ trang có tỷ suất người xem thấp nhất lịch sử đài Hồ Nam, nếu không có sự cải thiện đột phá vào phút chót.
Dương Tử hụt hơi
Dương Tử, vốn được đánh giá là một trong những tiểu hoa đán sở hữu lượng fan hùng hậu, cũng không tránh khỏi làn sóng chỉ trích. Gương mặt của cô bị nhận xét đơ cứng, biểu cảm thiếu tự nhiên, đặc biệt trong các phân cảnh nội tâm và cảnh khóc. Có khán giả thẳng thắn nhận định, Dương Tử đang lặp lại thất bại như với Trường tương tư, khi phần 1 thành công bao nhiêu thì phần 2 lại thất bại bấy nhiêu.

Dương Tử bị nhận xét thua xa nữ phụ Trương Nhã Khâm. Ảnh: NSX
Trong khi đó, các bộ phim cổ trang khác lên sóng cùng thời điểm như Thư quyển nhất mộng hay Tàng Hải truyện lại gặt hái thành công vang dội. Đặc biệt, Tàng Hải truyện với sự tham gia của Tiêu Chiến và Trương Tịnh Nghi đã vươn lên dẫn đầu lượt xem với con số ấn tượng: 640 triệu lượt xem trong đợt phát sóng đầu tiên. Phim thậm chí còn lập kỳ tích khi được đài SBS Hàn Quốc mua bản quyền phát sóng, điều mà chưa có bộ phim Trung Quốc nào làm được trong suốt 25 năm qua.
Các tác phẩm như Cửu trùng tử và Khom lưng cũng chứng minh rằng phim cổ trang không nhất thiết phải có đầu tư khủng hay dàn diễn viên tên tuổi để thành công. Cái khán giả cần là kịch bản chặt chẽ, nhịp phim lôi cuốn và diễn xuất chân thật. Mạnh Tử Nghĩa – Lý Quân Nhuệ hay Lưu Vũ Ninh – Tống Tổ Nhi không phải những cái tên quá đình đám, nhưng họ đã ghi điểm bằng sự tiến bộ trong diễn xuất và sự hòa hợp với nhân vật.

Phim Cẩm tú phương hoa là bài học nhãn tiền cho các nhà làm phim: không thể dùng ánh hào quang từ phần 1 để lấp đầy lỗ hổng kịch bản ở phần 2. Ảnh: NSX
Trong bối cảnh thị trường phim cổ trang Trung Quốc đang bão hòa, Cẩm tú phương hoa là bài học nhãn tiền cho các nhà làm phim: không thể dùng ánh hào quang từ phần 1 để lấp đầy lỗ hổng kịch bản ở phần 2. Khán giả hiện đại không còn dễ tính với những câu chuyện một màu, lý tưởng hóa nhân vật chính hay tô hồng hiện thực.
Phim có thể kết thúc có hậu, nhưng cái hậu quan trọng hơn cả chính là sự ghi nhớ và đồng cảm của khán giả. Và tiếc thay, Cẩm tú phương hoa đã không đạt được điều đó.

Sự nghiệp của Tống Tổ Nhi được so sánh với Dương Tử
Tống Tổ Nhi đang trở lại mạnh mẽ sau ồn ào. Hành trình nổi tiếng từ diễn viên nhí trở thành nữ chính trong phim CCTV của cô được so sánh với đàn chị Dương Tử.

Phim Cẩm tú phương hoa mở màn ấn tượng: Dương Tử, Lý Hiện liên tiếp lập kỷ lục
Kinhtedothi - Sau thời gian dài mong đợi, phần tiếp theo của bộ phim truyền hình cổ trang Quốc sắc phương hoa mang tên Cẩm tú phương hoa đã chính thức lên sóng và lập tức tạo nên cơn địa chấn mới trong làng phim ảnh Hoa ngữ.

Nội dung, lịch chiếu phim Cẩm tú phương hoa của Dương Tử, Lý Hiện
Kinhtedothi - Sau thành công vang dội của bộ phim truyền hình cổ trang Trung Quốc - Quốc sắc phương hoa, phần tiếp theo mang tên Cẩm tú phương hoa chính thức lên sóng ngày hôm nay 30/6 cùng loạt ảnh và trailer ấn tượng.