Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấm xe máy tại nội thành: Thực hiện từng bước theo lộ trình

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến đến năm 2030 Hà Nội sẽ có 17 quận (hiện có 12 quận) với dân số khoảng 5 triệu người. Trong khoảng hơn 10 năm sắp tới, TP sẽ từng bước thực hiện lộ trình cấm xe máy hoạt động tại các quận nhằm giảm thiểu UTGT và ô nhiễm môi trường.

Ùn ứ giao thông trên phố Chùa Bộc giờ cao điểm. Ảnh: Thanh Hải
Phân vùng theo vành đai
Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 6,01 triệu xe máy, chưa tính số lượng phương tiện đăng ký tại các địa phương khác thường xuyên lưu thông trên địa bàn. Tỷ lệ sở hữu xe máy đạt mức 760 xe/1.000 dân, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2018 đạt 6,7%/năm. Trong khi đó, diện tích đất dành cho giao thông của Hà Nội mới chỉ đạt 9,38%. Diện tích chiếm dụng của phương tiện giao thông đã vượt năng lực đáp ứng của hạ tầng giao thông 1,34 lần; trong khu vực Vành đai 3 là 3,7 lần. TP hiện còn 27 điểm “đen” UTGT và 80% trong số đó nằm tại khu vực nội thành.
Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương hạn chế hoạt động của xe máy. Hiện nay môi trường không khí tại trung tâm Hà Nội đang ô nhiễm nghiêm trọng. Muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm ô nhiễm môi trường thì phải hạn chế được xe máy, nhất là tại khu vực tập trung đông dân cư như các quận nội thành.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nhìn nhận, trước tình hình đó, việc xây dựng Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” là hết sức cần thiết. Đề án đã xác định mục tiêu dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. Dự kiến đến năm 2030 trên địa bàn TP sẽ có 17 quận, tăng thêm 5 quận gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng; chiếm 25% diện tích và 52% dân số toàn TP. Đây là khu vực tập trung áp lực giao thông lớn nhất và cần thiết phải cấm xe máy hoạt động.
Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 5 đường vành đai, trong đó Vành đai 2 và Vành đai 3 là vành đai đô thị; Vành đai 3,5 không khép kín, mang tính chất là đường trục chính đô thị; Vành đai 4 có một phần nằm trên địa bàn các quận. Vùng hạn chế hoạt động, tiến tới cấm xe máy có thể được nghiên cứu tại khu vực từ các vành đai nói trên trở vào trung tâm TP.
Kinh nghiệm từ nhiều TP lớn trên thế giới cho thấy, các tuyến đường vành đai có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức giao thông đô thị. Nhiều đô thị như: Singapore, Stockholm (Thụy Điển), London (Anh)… đã thực hiện các biện pháp tổ chức giao thông, các rào cản kỹ thuật như hạn chế phương tiện giao thông theo các đường vành đai và đạt được hiệu quả cao. Thạc sĩ Đinh Thị Thanh Bình - giảng viên trường Đại học GTVT cho rằng, hạn chế xe máy theo khu vực dựa trên các vành đai giao thông sẽ cho hiệu quả và phù hợp hơn là theo tuyến đường.
Đủ điều kiện mới cấm
Một trong những băn khoăn lớn nhất của người dân là khi cấm xe máy, phương tiện giao thông nào sẽ thay thế và liệu có đáp ứng nhu cầu đi lại hay không. Về vấn đề này, Tiến sĩ giao thông đô thị Lê Đỗ Mười cho biết: “Đến năm 2030, vận tải công cộng (VTCC) của Hà Nội sẽ đáp ứng được tối thiểu 40% nhu cầu đi lại của toàn TP nên người dân không cần lo lắng”.
TP đang tập trung toàn lực phát triển hạ tầng giao thông và đầu tư mạnh mẽ cho VTCC, đến năm 2030 có thể đưa vào hoạt động 8 đoạn tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến buýt, 35.000 xe taxi, 50.000 - 55.000 xe hợp đồng, 15 - 20 tuyến minibus, 8.000 - 10.000 xe đạp công cộng. Các chuyên gia cho rằng, đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi đối với năng lực và sự tập trung của chính quyền, Nhân dân Hà Nội. Bên cạnh đó, các khu vực cấm xe máy hoạt động cũng sẽ được xem xét kỹ mọi tiêu chí như: Mức độ UTGT; năng lực đáp ứng của VTCC; khung thời gian hạn chế hoặc cấm… Ông Vũ Văn Viện khẳng định: “Chắc chắn là VTCC phải đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thì chúng ta mới hạn chế, tiến tới cấm xe máy lưu thông trong nội thành”.
Mặt khác, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng nhận định, Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống VTCC tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” là một trong những nội dung có tính chất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân TP. Trong quá trình xây dựng Đề án còn nhiều vấn đề cần giải quyết để đảm bảo tính khả thi nên mới xây dựng một lộ trình hơn 10 năm để từng bước thực hiện, điều chỉnh.