Campuchia áp lệnh giới nghiêm ngăn dịch Covid-19, ca tử vong tại Thái Lan lại lập kỷ lục

Nguyễn Phương (Theo Khmertimes, Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Campuchia áp lệnh giới nghiêm tại thủ đô Phnom Penh và thủ phủ các tỉnh từ ngày 29/7 đến 12/8. Trong khi đó, số ca nhiễm Covid-19 và tử vong tại Thái Lan tiếp tục lập kỷ lục.

Ngày 28/7, Chính phủ Campuchia đã công bố chiến dịch trên toàn quốc nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong bối cảnh đối mặt với làn sóng bùng phát dịch thứ ba do biến thể Delta.
Lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau được áp dụng toàn bộ hoặc từng phần, đặc biệt tại thủ đô Phnom Penh và thủ phủ các tỉnh, trừ một vài ngoại lệ. Ảnh: Khmertimes
Quyết định do Thủ tướng Campuchia Hun Sen ký và công bố về chiến dịch tăng cường biện pháp phòng chống dịch Covid-19 kéo dài 2 tuần, bắt đầu từ ngày 29/7 đến 12/8/2021.
Lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau được áp dụng toàn bộ hoặc từng phần, đặc biệt tại thủ đô Phnom Penh và thủ phủ các tỉnh, trừ một vài ngoại lệ.
Theo quyết định này, toàn bộ các tỉnh và thủ đô Phnom Penh được chỉ đạo đồng loạt thực hiện các biện pháp hành chính và phòng dịch, cũng như tăng cường biện pháp pháp lý ở mỗi khu vực, thực hiện nghiêm các biện pháp trong chiến dịch này.
Các biện pháp này gồm ngừng hoạt động những nghề nghiệp và loại hình kinh doanh có nguy cơ cao như dịch vụ karaoke, câu lạc bộ đêm, vườn bia, khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí, các cửa hàng bán đồ uống có cồn, rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng, câu lạc bộ thể thao, trung tâm rèn luyện sức khỏe, cấm tụ tập đám đông trên 10 người  và các dịch vụ hàng ăn tại chỗ.
Việc xác định các khu vực lây nhiễm theo mức độ màu Đỏ, Da cam và Vàng do chính quyền cấp tỉnh/thành quyết định.
Cũng trong ngày 28/7, chính phủ Campuchia thông báo tiến hành đợt phong tỏa ở 8 tỉnh giáp với Thái Lan từ nửa đêm 29/7 nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.
Sắc lệnh do Thủ tướng Hun Sen ký ngày 28/7 về việc phong tỏa yêu cầu người dân không rời khỏi nhà của họ, không tụ tập đông đúc hay tiến hành các hoạt động kinh doanh, ngoại trừ những người làm việc tại các hãng hàng không.
Các tỉnh bị phong tỏa bao gồm Koh Kong, Pursat, Battambang, Pailin, Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Preah Vihear và Siem Reap, Reuters đưa tin. Quyết định phong tỏa có hiệu lực trong 14 ngày bắt đầu từ 23 giờ 45 ngày 29/7 đến hết ngày 12/8/2021.
Campuchia đã kiểm soát được phần lớn tình hình dịch bệnh tại nước này vào năm ngoái, song đợt bùng phát mới vào cuối tháng 2/2021 đã khiến tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này tăng lên tới 75.152 người, với 1.339 bệnh nhân đã tử vong.
Campuchia ngày 29/7 công  bố thêm 765 trường hợp nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 75.917 trường hợp. Bộ Y tế Campuchia cũng cho biết, tổng số ca tử vong tại nước này tính đến ngày 29/7 là 1.350 ca, tăng 11 trường hợp so với 1 ngày trước đó.
Cơ quan chức năng đã phát hiện biến thể virus Delta của hơn 100 người tại Campuchia, phần lớn trong số này là lao động Campuchia từ Thái Lan về nước.
Trong khi đó, Thái Lan tiếp tục chứng kiến kỷ lục buồn về dịch bệnh, khi số ca mắc Covid-19 hàng ngày và số trường hợp tử vong đều tăng vọt lên mức cao chưa từng có.
 Thái Lan ngày 29/7 báo cáo có thêm 17.669 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua. Ảnh: Bangkok Post 

Bộ Y tế Thái Lan ngày 29/7 báo cáo, nước này ghi nhận 17.669 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua và 165 người không qua khỏi vì dịch. Đây đều là những con số tăng cao chưa từng có tại quốc gia Đông Nam Á.
Kỷ lục trước đó về số ca mắc mới được ghi nhận hôm 28/7 ở mốc 16.533, trong khi kỷ lục về ca tử vong trước ngày 29/7 là 141, được báo cáo hôm 17/7.
Thái Lan đang trải qua đợt bùng dịch nghiêm trọng nhất, khi làn sóng dịch thứ ba bùng phát từ ngày 1/4 đã có 532.167 người mắc và 4.468 người chết. Kể từ khi dịch bùng phát hồi năm ngoái, Thái Lan có 561.030 ca Covid-19 và 4.562 trường hợp tử vong.
Như vậy, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Thái Lan đã có 561.030 ca nhiễm, trong đó có 370.492 người phục hồi và 4.562 người không qua khỏi.
Trong tuần này, Thái Lan đã bắt đầu đưa bớt bệnh nhân Covid-19 hồi hương bằng tàu, nhằm giảm tải cho hệ thống y tế ở khu vực thủ đô Bangkok, vốn đang bị quá tải.
Ngày 28/7, Thái Lan cũng biến một nhà kho hàng ở sân bay Don Mueang thành bệnh viện dã chiến 1.800 giường cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng không quá nghiêm trọng. Trong trường hợp bệnh nhân diễn tiến xấu đi, họ sẽ được chuyển lên bệnh viện phụ trách chữa trị ở cấp cao hơn.
Giới chức Thái Lan cảnh báo rằng số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng và sẽ cần thêm nhiều bệnh viện dã chiến để đối phó làn sóng lây nhiễm hiện tại.
Phó Chủ tịch Ủy ban Y tế cộng đồng của Thượng viện Chalermchai Boonyaleepun cảnh báo có thể có khoảng 400.000 - 500.000 ca nhiễm Covid-19 không có triệu chứng ở Bangkok. Tiến sĩ Chalermchai nói rằng các trường hợp có triệu chứng chiếm 20% số ca lây nhiễm, trong khi các trường hợp không có triệu chứng chiếm tới 80%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần