Theo quy hoạch, tổng chiều dài của đường vành đai 5 lên đến 342,5km, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 86.000 tỷ đồng (chậm nhất tới năm 2020 dự án cần hơn 19.000 tỷ đồng; từ năm 2020 đến 2030 là hơn 44.000 tỷ đồng và sau 2030 cần hơn 23.000 tỷ đồng). Đường vành đai 5 có vai trò kết nối các đô thị lớn xung quanh Hà Nội trong bán kính khoảng 40-60km, tổng khối lượng chiếm dụng không gian bao gồm cả các dự án đã triển khai của tuyến đường này lên đến hơn 1.110ha (liên quan đến tám tỉnh, thành phố trực thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phụ cận gồm: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc). Điểm đầu và điểm cuối dự án tại km0+000 trùng với km387+700 trên đường Hồ Chí Minh địa phận Ba Vì (Hà Nội) tạo thành một vành đai khép kín. Dự kiến, đường được chia thành bốn phân đoạn: Sơn Tây-Phủ Lý; Phủ Lý-Bắc Giang; Bắc Giang-Thái Nguyên và Thái Nguyên-Sơn Tây. Theo TEDI, từ nay đến năm 2015 phê duyệt quy hoạch chi tiết và triển khai cắm mốc khống chế chính để quản lý. Đến 2020 có thể thông toàn tuyến đường đi theo các quốc lộ hiện hữu, đồng thời xây dựng một số đoạn tuyến mới từ 2-4 làn xe. Giai đoạn 2020-2030 xây dựng toàn tuyến theo quy hoạch của đường vành đai 5, đạt tối thiểu bốn làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc và quốc lộ. Giai đoạn sau 2030 sẽ xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch.