Có thể nói, yếu tố đặc biệt quan trọng làm thay đổi diện mạo đô thị của Hà Nội trong giai đoạn tới chính là việc TP đang lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (QHC1259). Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, sau 10 năm triển khai thực hiện QHC1259, nhiều đồ án quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung xây dựng huyện được duyệt đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ đầu tư xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn TP, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị được tăng cường. Diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi, đô thị Hà Nội từng bước được hiện đại hóa và vị thế của Thủ đô ngày được nâng cao trong phạm vi toàn quốc, khu vực và quốc tế.
Tại khu vực đô thị trung tâm, bộ mặt đô thị đã chuyển biến tích cực, cảnh quan đô thị được nâng cao; hình thành một số khu đô thị lớn, hoàn chỉnh từ quy hoạch cấu trúc tổng thể, kiến trúc không gian, chi tiết cảnh quan và dịch vụ xã hội khép kín. Một số đơn vị cấp huyện ngoại thành Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp, dần hoàn thiện;…
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở QH-KT Hà Nội cũng nhìn nhận, quá trình triển khai QHC1259 cũng phát sinh nhiều vấn đề tới nay bắt buộc phải điều chỉnh. Cùng đó, một số quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, ban hành mới. Bên cạnh đó, đã có điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng… ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển Thủ đô.
Đơn cử, theo định hướng QHC1259, mật độ dân cư được khống chế đến năm 2020 là 2.188 người/km2, trong đó tại khu vực trung tâm Thủ đô là 5.012 người/km2, song đến nay đã lên tới 9.570 người/km2.
Về quy mô dân số, theo định hướng của QHC1259, dân số toàn thành phố dự báo đến năm 2020 khoảng 7,3 - 7,9 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 58 - 60%. Tuy vậy, đến năm 2020, quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo khi toàn thành phố đạt 8,24 triệu người, trong khi tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 49,3%. Việc quản lý, kiểm soát dân số tại đô thị trung tâm và giãn dân nội đô gặp nhiều khó khăn.
Cùng đó, mô hình phát triển chùm đô thị với 5 đô thị vệ tinh theo quy hoạch hầu như chưa có gì. Do vậy, việc giảm tải căn bản với một số chức năng đang bị dồn nén quá mức tại đô thị trung tâm chưa thực hiện được.
Đặc biệt, việc tạo lập khu vực “hành lang xanh” với tỷ lệ 70% quỹ đất toàn TP đã tạo nên những giới hạn đối với quá trình phát triển đô thị...
Do vậy, để đáp ứng các mục tiêu phát triển đô thị bền vững của TP Hà Nội, đảm bảo tầm nhìn chiến lược dài hạn, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề của đô thị như dân số, hạ tầng, nhà ở, môi trường… thì việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hết sức cần thiết.
Lựa chọn tư vấn tốt để quy hoạch chất lượng
Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sắp tới gồm một số nội dung chính như: Hạn chế tăng dân số ở khu vực nội đô, trong đó 4 quận nội thành cũ tiếp tục giảm dân số, nội đô mở rộng không tăng thêm dân số, bổ sung dân số cho khu vực bắc sông Hồng và Đông đường vành đai 4 để khai thác sử dụng đất hiệu quả hơn.
Đáng chú ý, TP sẽ nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc (các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và thành lập một số thị xã mới nằm trong các đô thị vệ tinh.
Bên cạnh đó, trục sông Hồng sẽ được tập trung khai thác làm trục xanh trung tâm, theo hướng phát triển cân đối không gian hai bên sông và nghiên cứu khả năng phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ. Các huyện dự kiến thành quận giai đoạn 2021 - 2025 được nghiên cứu phát triển hạ tầng, gắn với đô thị xanh, bền vững dọc 2 bên trục đường Vành đai 4, tạo không gian chuyển tiếp giữa đô thị và nông thôn.
Các đô thị vệ tinh được rà soát lại nhằm hoàn chỉnh mô hình và lộ trình phát triển để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Nghiên cứu điều chỉnh kết cấu đồng bộ hạ tầng giao thông đô thị, nghiên cứu khả năng bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội…
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, với vai trò là đô thị đặc biệt, Thủ đô của cả nước, việc rà soát, đánh giá thật cụ thể lại quy hoạch chung đã làm trong 10 năm qua là việc hết sức cần thiết. Để từ đó đưa ra dự báo chiến lược về ngành, kinh tế - xã hội, vừa là định hướng cho quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị vừa làm nền tảng tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, ngoài triển khai định hướng, chương trình mục tiêu, thì cần có cách làm khác với những đô thị khác, đó là cần có tư vấn tốt để có chất lượng quy hoạch tốt.
“Thành phố nên tổ chức thi, có lựa chọn tư vấn tốt để cùng thành phố xây dựng ý tưởng quy hoạch, khai thác triệt để về tài nguyên, thiên nhiên, con người, xây dựng Thủ đô xứng tầm là niềm kiêu hãnh của cả nước” - ông Trần Ngọc Chính nêu.
Có thể nói, Nhân dân đang rất mong chờ các ý tưởng táo bạo mới để Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thực sự chất lượng, là cơ sở hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm với vị thế và vai trò, đến năm 2030, Hà Nội trở thành TP “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh ở khu vực và quốc tế...
Cấu trúc đô thị Hà Nội là theo mô hình chùm gồm 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn; được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm. Đây là mô hình đã được tính toán chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn yêu cầu phát triển của Hà Nội. Vấn đề hiện nay là TP cần rà soát để có lộ trình triển khai xây dựng các đô thị vệ tinh để hình thành các đô thị mới, thành phố mới. Còn quan điểm xây dựng thành phố mới tại khu vực phía Bắc sông Hồng còn hơi khiên cưỡng, chưa phù hợp với quan điểm phát triển thành phố thống nhất với sông Hồng là trục xanh trung tâm.
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính