Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050:

Cân bằng để phát triển bền vững

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là một trong những quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng. Quy hoạch nhằm hình thành và phát triển hệ thống đô thị có chất lượng, bền vững, đồng thời xây dựng nông thôn toàn diện, hiện đại...

Đô thị hóa thúc đẩy phát triển kinh tế

Đại diện Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia cho biết, thực trạng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn thời gian qua mở rộng ở cả 3 cấp độ về không gian hành chính tỉnh, huyện, xã.

Nhiều đơn vị hành chỉnh cấp tỉnh có xu hướng đô thị hoá toàn tỉnh (lên thành phố trực thuộc Trung ương) nhiều đơn vị hành chính cấp huyện có xu hướng đô thị hoá toàn huyện (lên thị xã, thành phố thuộc tỉnh), nhiều đơn vị hành chính cấp xã đã lên đô thị. Xu hướng này tiếp tục gia tăng mạnh trong thời kỳ 2021 - 2030.

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Á. Mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 - 1,3 triệu dân. Năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đã đạt khoảng 41,5% với 888 đô thị.

Dự thảo đồ án quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến.
Dự thảo đồ án quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến.

Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ đô thị hóa nhanh đã tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Theo đó, tăng trưởng kinh tế đô thị bình quân ở mức 12 - 15%/năm, gấp 1,2 - 1,5 lần tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2020, ước tính kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Trong đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương mặc dù chỉ chiếm 2,9% về diện tích và khoảng 22% về dân số nhưng năm 2020 đã đóng góp tới 46,8% GDP cả nước, thu hút 30% tổng số vốn FDI lũy kế, 32,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Tốc độ đô thị hóa nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, hình thành hai vùng đô thị lớn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng cùng với các chuỗi, chùm đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền.

Hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ. Chất lượng sống tại đô thị từng bước được nâng cao, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; sự phát triển của một số đô thị đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.

Trong vùng đô thị lớn, vùng kinh tế xã hội xuất hiện nhiều đô thị vươn lên có sức lan toả liên vùng trở thành mô hình đô thị toàn tỉnh như Bình Dương phát triển nổi bật ở nhiều góc độ tăng trưởng kinh tế, mức thu nhập bình quân đầu người đạt cao nhất cả nước, vượt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, đô thị hóa cũng đặt ra các vấn đề lớn cần giải quyết. Đó là điểm nghẽn trong tổ chức không gian đô thị hoá, nhằm tăng cường tích tụ và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế sang giá trị gia tăng cao hơn; tạo nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số đô thị; kiểm soát không gian đô thị trên nguyên tắc đô thị hoá đất đai tương xứng với đô thị hoá dân số; tạo cân bằng phát triển đô thị và nông thôn.

Giải quyết nhiều điểm nghẽn phát triển

Mới đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến, góp ý Dự thảo đồ án quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những quy hoạch ngành trong hệ thống quy hoạch quốc gia và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị trong giai đoạn phát triển 2021 – 2030.

Thực hiện nhiệm vụ được giao là Cơ quan tổ chức lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 294/QĐ-BXD ngày 24/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Bộ Xây dựng đã hoàn thành Dự thảo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, đây là việc rất mới, rất khó, chưa có tiền lệ trước đây, mang tính chất của một hệ thống đô thị nông thôn và những định hướng phát triển trong thời gian tới.

Để thực hiện tốt quy hoạch này cần rà soát đánh giá, xác định các vấn đề lớn, các điểm nghẽn cần giải quyết. Mà cụ thể là 4 vấn đề, trong đó đô thị là động lực phát triển, phải cân đối hài hòa không chỉ kinh tế mà còn cả văn hóa xã hội. Phát triển cân bằng, không thể tách rời giữa đô thị và nông thôn; cần kiểm soát không gian phát triển đô thị vì hiện nay đô thị hóa đất đai nhanh hơn rất nhiều so với đô thị hóa dân số…

Mục tiêu của quy hoạch là thúc đẩy quá trình đô thị hoá nhanh, hiệu quả, có chất lượng; bền vững hơn về môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, đảm bảo được an ninh lương thực. Trên cơ sở tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh, đổi mới mô hình phát triển hệ thông đô thị Việt Nam theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á - Thái Bình Dương, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo.

Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền. Phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50% và phấn đấu đạt mức trung bình ASEAN; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,9% - 2,3%. Tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý tại các đô thị loại II trở lên đạt 40 - 45%; 100% các đô thị loại II trở lên hoàn thành kế hoạch, chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị…

Hệ thống điểm dân cư nông thôn là nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 – 3 lần so với năm 2020. Cả nước có ít 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.