Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần biến thách thức già hóa dân số thành cơ hội phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển giao, giao thoa dân số, mà rất nhanh tới đây sẽ là nước có dân số già.

Ngày 6/9, tại Hội thảo Khu vực Châu Á Thái Bình Dương 2016 "Những tác động kinh tế của già hóa", Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thông tin, năm 2010, cứ 10 người Việt Nam lại có 1 người cao tuổi (NCT).

Năm 2030, dự kiến 6 người Việt Nam sẽ có 1 NCT  và 50 năm sau là 4 người Việt Nam có 1 NCT. Và, theo tính toán chính sách dân số không có gì thay đổi, 20 năm nữa tính từ hôm nay, số người trẻ tuổi của Việt Nam sẽ trở thành NCT.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi hội thảo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi hội thảo
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Chính phủ đã nhận thức được vấn đề già hóa dân số, nên tới đây chúng tôi đang cùng tổ chức quốc tế bàn chương trình nghị sự ở cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước vấn đề dân số.

Trong đó đề cập đến quy mô, phân bố, chất lượng dân số, tỉ lệ sinh... Đặc biệt sẽ bàn cách để chăm sóc, phát huy tốt hơn vai trò của NCT. Từ việc chăm lo sức khỏe, lương thực, văn hóa. Không chỉ chăm sóc mà còn phát huy để làm sao tổ chức những ngành nghề sản xuất áp dụng phương thức, công nghệ mới, phù hợp để người lao động dù tuổi cao vẫn làm việc có năng suất cao nhất có thể.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, NCT nên được phát huy vai trò trong quản lý xã hội, tự quản của các cộng đồng dân cư, tham gia các thiết chế chung của Nhà nước để quản trị xã hội. Và, không chỉ đơn thuần là tổ chức sản xuất mà đặc biệt, là hoàn thiện an sinh cho xã hội để không những chỉ cho người nghèo, miền núi, vùng sâu xa mà đặc biệt lo cho cả NCT với tinh thần vì lợi ích của tất cả mọi người, dù hoàn cảnh, lứa tuổi nào.

Không chỉ đơn giản là câu chuyện hệ thống an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội để người lớn tuổi có cuộc sống tốt hơn mà cả vấn đề được luật định như tuổi như thế nào là người già, bao giờ nghỉ hưu.

Trong thời gian tới, cần nghiên cứu, tổ chức những ngành sản xuất, đưa phương thức mới, công nghệ phù hợp để người lao động dù tuổi cao vẫn lao động với năng suất cao nhất, cũng như phát huy vai trò người cao tuổi trong hoạt động quản lý xã hội, tham gia tự quản ở cộng đồng dân cư.

“Vấn đề là làm sao biến thách thức thành cơ hội phát triển. Các khuyến nghị từ hội thảo sẽ được Chính phủ Việt Nam tiếp nhận, nghiên cứu, bàn thảo để đưa ra những giải pháp phù hợp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Theo bà Lubna Baqi, Phó Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc-UNFPA) già hóa dân số không phải là chủ đề mới nhưng tiếp tục biến động phức tạp đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải nhanh chóng đưa ra những chiến lược ứng phó kịp thời, phù hợp.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ nhưng Việt Nam chỉ mất 15 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Hiện tỉ lệ người cao tuổi của Việt Nam là trên 10,5% và khoảng 50 năm nữa Việt Nam sẽ có thêm 10 triệu người cao tuổi.