TP Hồ Chí Minh

Cán bộ, công chức, viên chức sắp nhận thu nhập tăng thêm mức tối đa

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiều nghị quyết quan trọng được thông qua tại kỳ họp thứ tám, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026), có nghị quyết được cả triệu cán bộ, công chức, viên chức TP vui mừng.

Sau 3 ngày làm việc, kỳ họp thứ tám HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã bế mạc vào chiều 9/12.

Tại kỳ họp lần này, HĐND TP đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, như: Nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023; Hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) trên địa bàn TP năm 2023 tăng thêm 1.0 lần so với hệ số K năm 2022; Đổi tên 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn nối TP Thủ Đức với quận 1 và Bình Thạnh; Quy định hệ số điều chỉnh tăng thu nhập theo Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội; Chính sách hỗ trợ giáo dục đối với trẻ mầm non, học sinh, học viên cao học và nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số kể từ năm 2022 - 2023; Đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) với mức đầu tư 9.664 tỷ đồng; Đảm bảo nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho đầu tư xây dựng dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh)…

Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 1 với TP Thủ Đức được đổi tên thành cầu Ba Son.
Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 1 với TP Thủ Đức được đổi tên thành cầu Ba Son.

Về Nghị quyết đặt tên 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn. Cầu Thủ Thiêm 1 được đặt tên là cầu Thủ Thiêm, nối từ đường Ngô Tất Tố, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) sang đường Nguyễn Cơ Thạch thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Cầu Thủ Thiêm có chiều dài 1,2km, tổng kinh phí xây dựng 1.450 tỷ đồng, khánh thành năm 2008.

Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được đặt tên cầu Ba Son, kết nối từ đường Tôn Đức Thắng (quận 1) sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Cầu Ba Son dài gần 1,5km, có 6 làn xe, tổng kinh phí đầu tư 3.100 tỷ đồng, được khánh thành vào tháng 4/2022.

Đối với Nghị quyết về dự toán thu ngân sách Nhà nước; Thu, chi ngân sách TP năm 2023. Theo đó, tổng dự toán thu ngân sách Nhà nước là hơn 469.681 tỷ đồng, tăng 21,5% dự toán năm 2022 và tăng 2,66% so với ước thực hiện năm 2022; Tổng thu ngân sách địa phương là 117.026 tỷ đồng, tổng chi ngân sách địa phương là 126.342 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương 9.316 tỷ đồng.

Về Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, HĐND TP thống nhất điều chỉnh giảm vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án do giá trị quyết toán được duyệt hoặc dự kiến được duyệt là 690 tỷ đồng; giảm 3.973 tỷ đồng cho các dự án giãn tiến độ, tạm dừng thực hiện và điều chỉnh giảm vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của 17 dự án (11 dự án ở TP Thủ Đức, 3 dự án ở huyện Hóc Môn, 2 dự án ở quận Tân Phú và 1 ở quận Bình Thạnh) là 1.417 tỷ đồng. Số tiền này dùng để bố trí cho các dự án khác.

Và Nghị quyết được cả triệu cán bộ, công chức, viên chức TP mừng vui là Nghị quyết về quy định hệ số điều chỉnh tăng thu nhập theo Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội. Trước đó, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần (năm 2018), 1,2 lần (năm 2019) và 1,8 lần (năm 2020) so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay TP chưa thể thực hiện được hệ số tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức đến mức 1,8 lần. Với việc thông qua nghị quyết này, cán bộ, công chức, viên chức của TP được tăng thêm thu nhập ở mức cao nhất là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ. Về Nghị quyết 54, trước đó Quốc hội đã cho phép TP Hồ Chí Minh kéo dài thực hiện đến hết ngày 31/12/2023.

Kỳ họp thứ tám HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) cũng thống nhất lấy chủ đề của năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.

 

Địa danh Ba Son xuất hiện từ năm 1790 khi Chúa Nguyễn Ánh xây dựng “xưởng thủy” bên sông Sài Gòn. Nhắc đến Ba Son, người ta nghĩ ngay đây là nhà máy đóng tàu của Việt Nam, là cái nôi của giai cấp và phong trào công nhân Việt Nam, tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Còn địa danh Thủ Thiêm có từ cuối thế kỷ XVIII. Năm 1966, chính quyền chế độ cũ cắt xã An Khánh để nhập vào đô thành Sài Gòn, tách thành 2 phường: An Khánh và Thủ Thiêm (thuộc quận 1). Đến ngày 1/4/1997, huyện Thủ Đức cũ được tách thành quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2, Thủ Thiêm trở thành một phường ở quận 2. Cuối năm 2020, các quận 2, 9 và Thủ Đức nhập lại lập thành TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần