[Cán bộ "đường lối" trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số] Bài 1: Người cán bộ nặng lòng với Khánh Thượng

Văn Chiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác phát triển đảng viên nói chung, phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số nói riêng được các cấp ủy trên địa bàn TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Hà Nội, có nhiều cán bộ, đảng viên năng nổ trong công việc, nhạy bén phát triển kinh tế, để từ đó thực hiện có hiệu quả công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc...

Bài 1: Người cán bộ nặng lòng với Khánh Thượng

Nhiều năm gắn bó với xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì, Hà Nội), ông Nguyễn Chí Thủy - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã đã chứng kiến biết bao sự đổi thay của đất và người nơi đây. Người cán bộ của Đảng ở cơ sở ấy vẫn ngày ngày bám đất, bám dân để đưa đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến đồng bào dân tộc...

Ông Nguyễn Chí Thủy - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Khánh Thượng.

Trăn trở giải pháp thoát nghèo

Tuổi đời ngoài 40, ông Nguyễn Chí Thủy đã gắn bó với Khánh Thượng ở nhiều vị trí, cương vị khác nhau. Người đảng viên dân tộc Mường hiểu rõ cuộc sống của bà con nơi đây như từng bước đi, hơi thở của mình. Đã không biết bao đêm, ông trằn trọc, trăn trở khi thấy cuộc sống của bà con nhân dân vẫn còn nghèo, nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của huyện, mặc dù được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Thủy chia sẻ: "Cuộc sống của bà con nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn khi chỉ trông chờ vào việc làm nông nghiệp. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, thuộc nhóm các địa phương có thu nhập thấp nhất toàn TP. Tỉ lệ hộ nghèo trong xã là 6,47%. Đây cũng là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà xã Khánh Thượng chưa đạt".

Ông hiểu rằng, địa hình không bằng phẳng khiến sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường) rất khó khăn; trong khi 81% lao động toàn xã trông vào nguồn thu từ canh tác nông nghiệp. Diện tích sản xuất nông nghiệp hàng năm của xã Khánh Thượng là trên 600ha, trong đó, chiếm 70% là diện tích lúa và rong giềng. Bên cạnh đó, người dân còn tham gia phát triển chăn nuôi với tổng đàn gia súc khoảng 8.000 con, gia cầm trên 56.000 con...

"Nông nghiệp không hẳn là thế mạnh, trong khi sự phát triển các loại hình kinh tế khác cũng không thực sự sôi động. Toàn xã chỉ có 7 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã, cùng 197 hộ kinh doanh cá thể. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là chế biến rong giềng, tinh bột sắn, đồ gỗ...", ông Thủy trăn trở.

Bám dân, gần dân

Nếu không thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân dân khó có thể thoát nghèo - Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thượng chia sẻ. Ông Thủy đã cùng với Thường trực Đảng ủy xã Khánh Thượng bàn bạc, đưa ra nhiều giải pháp để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Nhờ sự quan tâm, khuyến khích của Đảng ủy xã Khánh Thượng, nhiều mô hình kinh tế ở địa phương đã phát triển. Tiêu biểu có thể kể đến mô hình trồng cam của gia đình anh Đặng Quang Quý - chị Đinh Thị Hạnh ở thôn Gò Đá Chẹ, mô hình nuôi trâu, nuôi lợn, phát triển nghề dịch vụ của một số hộ dân khác trong xã.

Anh Đặng Quang Quý (thôn Gò Đá Chẹ, xã Khánh Thượng) chăm sóc vườn cam của gia đình.

Để có được thành quả đó là nhờ công sức không nhỏ của ông Thủy cùng Đảng ủy xã Khánh Thượng. Xã đã liên hệ phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều buổi tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi cho nhân dân. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, xã Khánh Thượng mở được từ 3 đến 6 lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi. Đã có hơn 400 người dân được đào tạo sơ cấp về nghề. Đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã được học nghề miễn phí.

Không chỉ nỗ lực giúp bà con dân tộc Mường phát triển kinh tế, giảm nghèo, ông Thủy còn sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến gần hơn với đảng viên và quần chúng nhân dân. Ông Thủy luôn tích cực tham mưu giúp Đảng ủy xã Khánh Thượng nâng cao tỉ lệ cán bộ đảng viên học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Việc chấp hành chế độ sinh hoạt của cấp ủy được thực hiện nghiêm túc.

Anh Đinh Công Giang (sinh năm 1981) Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Sống là 1 trong số 4 cán bộ làm công tác đảng trẻ nhất ở xã Khánh Thượng. Anh vẫn nhớ như in những ngày đầu tiếp nhận công việc với không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Giữa khó khăn ấy, anh đã nhận được sự giúp đỡ tận tình, trách nhiệm của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Chí Thủy. Anh Giang chia sẻ: "Đồng chí Thủy thường xuyên tham dự các buổi sinh hoạt chi bộ để nắm bắt tình hình, từ đó có những định hướng đúng đắn, kịp thời giúp tôi nhanh chóng bắt quen với công việc. Đồng chí cũng là một đảng viên rất gương mẫu, một tấm gương sáng để chúng tôi học tập, noi theo".

Tâm huyết, trách nhiệm với công việc, tận tụy với nhân dân, ông Nguyễn Chí Thủy nhận được sự tín nhiệm, tin tưởng của đồng nghiệp, yêu mến của nhân dân.

Trong cuộc sống cũng như công việc, ông Thủy luôn tích cực cầu thị, lắng nghe để tự hoàn thiện mình. Dù điều kiện làm việc ở một xã miền núi xa xôi của TP Hà Nội còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng ông chưa bao giờ nản lòng. Ông chia sẻ: "Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy được sự tin tưởng, yêu mến bà con nhân dân, xúc động khi thấy bao con người tâm huyết say mê với công tác dân vận ở cấp cơ sở. Tôi thấy mình cần phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn để góp sức cùng Đảng bộ xã Khánh Thượng và bà con nhân dân xây dựng địa phương ngày càng phát triển hơn, để mỗi khi về đến Khánh Thượng, chỉ còn là niềm tự hào, hạnh phúc của diện mạo Thủ đô mở rộng...".

Ông Thủy cho biết: "Đảng bộ xã Khánh Thượng có 19 chi bộ, với 364 đảng viên, trong đó có 233 đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác kết nạp đảng viên mới hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Đồng bào dân tộc đều có nhận thức chính trị tốt. Rất nhiều trong số đó có ý thức phấn đấu và mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đảng ủy xã Khánh Thượng cũng luôn chú trọng đến chất lượng đảng viên. Quần chúng được lựa chọn kết nạp đảng phải là quần chúng thực sự ưu tú, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số để trở thành "cánh tay nối dài" của Đảng".

(còn nữa)