Cán bộ hải quan sai: Cần hình sự phải xử lý hình sự

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, cơ quan công an đã phát hiện hơn 100 phách gỗ pơ mu trong khuôn viên trụ sở Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam). Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nếu đủ chứng cứ, cần hình sự thì phải xử lý hình sự.

Cán bộ hải quan sai: Cần hình sự phải xử lý hình sự - Ảnh 1Thời gian qua, một số người dân cũng đã lên tiếng về tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ hải quan tại các cửa khẩu sân bay quốc tế như Sân bay Đà Nẵng… Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu cán bộ hải quan sai không nên nương nhẹ, phải xử lý nghiêm, công khai.

Liên tục các vụ việc liên quan đến đạo đức cán bộ hải quan bị “lộ sáng” đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về đạo đức, trình độ của cán bộ ngành này? Ông nghĩ sao?

- Cá nhân tôi cho rằng, mọi thông tin đều phải có chứng cứ và được điều tra một cách công khai, minh bạch cả hai bên. Nếu kết luận là có việc cán bộ hải quan nhũng nhiễu người dân, DN thì phải có chế tài xử phạt thật mạnh. Ngoài các giải pháp hành chính, nếu đủ chứng cứ, cần hình sự thì phải xử lý hình sự theo đúng các quy định. Dù là giải pháp gì chăng nữa cũng không nên nương nhẹ với nhau.

Thực tế, không nhiều DN dám đứng ra tố cáo những sự việc nhũng nhiễu của cán bộ hải quan vì họ sợ bị gây khó dễ cho hoạt động sau này. Vậy, có chế tài nào để DN thay vì ấm ức “chạy cửa sau” có thể công khai, minh bạch yêu cầu cán bộ hải quan phải thực hiện đúng trách nhiệm, thưa ông?

- Muốn người dân, DN cung cấp thông tin thì phải có cơ chế bảo vệ người cung cấp thông tin, để họ không bị trù dập. Phải bảo vệ người cung cấp thông tin đến cùng, như vậy mới mong người ta tự giác thông tin.

Thời gian qua, ngành hải quan đã có đường dây nóng. Tuy nhiên, thực tế, không nhiều vụ việc có thông tin xuất phát từ ngành hải quan mà chủ yếu qua các kênh khác như mạng xã hội, công an, báo chí… Có vẻ như đường dây nóng của hải quan chưa đủ hấp dẫn người cung cấp thông tin?

- Như tôi đã nói ở trên, muốn người ta báo tin thì phải bảo vệ được nguồn tin. Nếu họ không tin là ngành đó có thể giữ kín thông tin cho mình thì đương nhiên họ sẽ không dám thông báo.

Ngoài ra, sự thực thi pháp luật của đường dây nóng này như thế nào cũng là câu hỏi khiến người dân, DN băn khoăn. Vì thế, nhiệm vụ của hải quan là phải làm sao để người dân, DN tin tưởng vào kênh “đường dây nóng” bằng cách thực thi nghiêm túc, nghiêm minh các phản ánh của họ.

Liệu có phải vì thu nhập thấp nên mới xảy ra tình trạng cán bộ hải quan nghi “tiếp tay phá rừng”, vòi vĩnh, nhũng nhiễu, thưa ông?

- Không phải. Kể cả chúng ta tăng lương, tăng thu nhập nhưng khi chế tài xử phạt không nghiêm, chưa đủ sức răn đe thì tình trạng này vẫn xảy ra. Vì thế, cần tránh tình trạng nương nhẹ cho nhau. Nếu cần, có thể đuổi việc và chuyển hồ sơ lên xử lý hình sự.

Thời gian qua, ngành hải quan đã làm được rất nhiều việc trong triển khai Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... Nhiều quy trình, thủ tục được rút ngắn, tiết giảm thời gian và chi phí cho DN. Đây cũng là kênh để minh bạch hóa các hoạt động của hải quan. Tuy nhiên, như báo chí đã đưa tin, đâu đó ngoài trụ sở vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu.

Vì thế, để những gì ngành hải quan làm được được biết đến nhiều hơn những tiêu cực thì khâu thực thi cần nghiêm túc hơn. Cần có cơ chế giám sát, xử lý cán bộ chặt chẽ và công khai hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, thời gian qua, cũng có đâu đó những tiêu cực đã được phản ánh trên báo chí, nhưng đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Quan điểm của Tổng cục là không bao che, dung túng bất kỳ cán bộ nào dù cấp cao hay thấp mà có hành vi gây khó khăn, phiền hà cho người dân và DN...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần