Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cán bộ, người dân ủng hộ Hà Nội phòng, chống dịch theo 3 vùng để sớm đẩy lùi dịch bệnh

Hồng Thái - Thùy Linh - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND, cán bộ, người dân đều đồng tình, ủng hộ và kỳ vọng, với việc triển khai phòng, chống dịch theo 3 vùng, từ 6 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ ngày 21/9, Hà Nội sẽ nhanh chóng khoanh vùng, khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng:

Không để “chặt ngoài, lỏng trong"

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, để kiểm soát chặt hơn và áp dụng cao hơn một mức giãn cách xã hội phòng, chống dịch, UBND TP Hà Nội triển khai phòng, chống dịch theo 3 vùng là hết sức cần thiết. Theo phân vùng, quận Thanh Xuân thuộc vùng 1 (vùng nội đô), được xác định là “vùng đỏ”, khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao nên tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân)

Sau khi tổ chức di dời người dân khu vực phong tỏa phường Thanh Xuân Trung, quận tiếp tục duy trì hơn 360 chốt “vùng xanh”, hệ thống chốt cứng công an; 6 tổ kiểm tra liên ngành của quận kiểm tra lưu động, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời triển khai xét nghiệm sàng lọc diện rộng trên địa bàn quận.

Xác định Thanh Xuân là địa bàn phức tạp, đông dân cư, nhiều ngõ ngách, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh nên quận xây dựng kế hoạch với phương án chi tiết, cụ thể để chủ động, không lúng túng trong phòng, chống dịch. Đồng thời, xây dựng phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội, sinh hoạt phù hợp với đặc điểm của từng vùng. Tập trung tổ chức cách ly, phong tỏa triệt để “vùng đỏ” bảo đảm chặt chẽ từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, đúng nguyên tắc cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm chéo.

Ngoài ra, quận tăng cường giãn cách xã hội với biện pháp mạnh hơn, thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ để bảo đảm yêu cầu người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu, ở yên đó”, không để “chặt ngoài, lỏng trong”, để kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan giữa các khu vực, tiến đến “xanh hóa” khu vực có dịch. 

Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) Dương Minh Đức:

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền về nguy cơ dịch bệnh

Theo tôi, việc Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và phân vùng, áp dụng các biện pháp mạnh hơn để phòng chống dịch Covid-19 là rất cần thiết. Thực tế địa bàn phường cho thấy, trước khi TP ra quyết định này, người dân đã cơ bản đồng tình với chủ trương của TP. Bởi, dù giãn cách xã hội có gây khó khăn trong sinh hoạt và phát triển kinh tế, song người dân yên tâm vì Chính phủ đã có gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 và TP triển khai thực hiện theo Kế hoạch 188, đã kịp thời xét duyệt cho các đối tượng.

Hơn thế, trước thay đổi liên tục và phức tạp của dịch bệnh, người dân cũng thấy phải tiếp tục giãn cách để các cấp chính quyền và lực lượng phòng chống dịch có thể xử lý triệt để các trường hợp chưa hoàn toàn nghiêm túc chấp hành giãn cách, nhất là lúc không có cơ quan chức năng kiểm soát. Cùng đó còn lý do khách quan là tại TP có một số địa bàn chật hẹp mà mật độ dân cư cao, là mối nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, trong khi bản thân việc nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều khi không có dấu hiệu lâm sàng trước, có những người qua quá trình sàng lọc cho thấy là F0 không có triệu chứng… Trên tinh thần đó, Nhân dân ủng hộ chủ trương của TP vì thực tế cũng muốn kết thúc sớm quá trình phòng chống dịch, để không tiếp tục có ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của mình.

Chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng)

Thực hiện Chỉ thị 20 của TP, các quận huyện “vùng đỏ” cũng đang tiếp tục sàng lọc phân loại từng vùng, cố gắng bảo vệ “vùng xanh”, hạn chế “vùng cam”, “vùng đỏ” và sau đó có biện pháp bảo vệ địa bàn của mình. Muốn thực hiện đồng bộ, tôi cho rằng cần thực hiện ngay từ bên trong, từ cấp cơ sở hạn chế “vùng đỏ” mới bảo vệ được toàn địa bàn. 

Vì vậy, phường Nguyễn Du sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền trong Nhân dân về nguy cơ dịch bệnh, không thể chủ quan lơi là, luôn phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Để trở thành vùng xanh, phường sẽ tiếp tục có đợt sàng lọc diện rộng cho khoảng 2.000 người trên toàn địa bàn, từ kết quả đó có biện pháp khoanh vùng, đánh giá hoặc thành lập thêm tổ tự quản, tổ giám sát tại những vùng nguy cơ cao để Nhân dân nghiêm túc chấp hành việc giãn cách, tăng hiệu quả các biện pháp kiểm soát.

Song song đó, chúng tôi đề xuất đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 để vừa giúp sàng lọc trong cộng đồng vừa giúp phòng ngừa bệnh cho người dân, tránh lây nhiễm chéo nhất là ở địa bàn nhỏ hẹp mà mật độ dân cư lớn. Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị 20 của UBND TP và đề xuất của Công an TP về quản lý người dân ra đường, tôi cho rằng là biện pháp siết chặt hạn chế tối đa người dân ra đường nhằm kiểm soát tình hình, nhưng chính quyền cơ sở cần được tháo gỡ một số khó khăn trong việc phân loại nhóm đối tượng và xác định rõ đâu là hoạt động thiết yếu.

Chị Nguyễn Thu Huyền (quận Đống Đa):

Phù hợp với tình hình phòng chống dịch của TP

Thực tiễn cho thấy, sau 40 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn TP, cá nhân tôi thấy công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP đã bước đầu giảm được các ca mắc trong cộng đồng. Mới đây, việc Hà Nội tổ chức phân 3 vùng để kiểm soát dịch là rất phù hợp với mức độ nguy cơ sau 3 đợt thực hiện giãn cách toàn TP.

Khi TP quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất là một quyết định sáng suốt để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn TP, giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp.

Phải nói rằng, TP đang rất linh hoạt trong việc thiết lập 3 vùng giãn cách sau ngày 6/9. Điều này sẽ đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu “kép” vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa phục hồi sản xuất kinh doanh. Tôi tin tưởng Hà Nội sẽ sớm bóc tách các ca F0 khỏi cộng đồng để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.